|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu xếp khoản vay hơn 1 tỉ USD hỗ trợ chính sách phát triển vùng ĐBSCL

11:08 | 20/12/2019
Chia sẻ
Bộ KH-ĐT phối hợp với WB tại Việt Nam làm đầu mối và với các tổ chức quốc tế khác để thu xếp một khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL, trước mắt với qui mô khoảng 1,05 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2023.

Theo thông tin từ Bộ KH-ĐT, trong các ngày vừa qua, bộ này đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức các hội nghị, hội thảo về việc triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 120 và Chỉ thị số 23 của Thủ tướng về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu; tham vấn ý kiến về nhiệm vụ lập qui hoạch vùng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

hoi thao mpi

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn ý kiến về nhiệm vụ lập qui hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Bộ KH-ĐT.

Tại các hội nghị, hội thảo trên, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí qui hoạch, Bộ KH-ĐT Đinh Trọng Thắng cho biết, ĐBSCL là một vùng rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 20% dân số cả nước, là vùng sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả lớn của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn, an ninh lương thực quốc gia.

Đây cũng là vùng sinh thái đa dạng sinh học có ý nghĩa chiến lược quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, áp lực ngày càng lớn của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, để khắc phục và phát triển vùng ĐBSCL, cần tập trung nguồn lực. Giai đoạn trước, vốn ngân sách đầu tư cho vùng ĐBSCL chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư công của cả nước. Con số này tăng lên 18% trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên nguồn vốn nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển của vùng ĐBSCL.

Ông Dũng cho biết thêm, Bộ KH-ĐT đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam làm đầu mối, các tổ chức quốc tế khác thu xếp một khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL, trước mắt với qui mô khoảng 1,05 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2023.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vùng vẫn còn một số vấn đề khó khăn như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong thời gian tới, cần qui hoạch lại vùng ĐBSCL bởi chỉ khi xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển, tầm nhìn một cách dài hạn, căn cơ và bài bản thì mới phát triển nhanh và bền vững được.

Bà Diji Chandrasekharan Behr, Chuyên gia cao cấp về kinh tế môi trường của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng Qui hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò vô cùng quan trọng nhằm tích hợp qui hoạch các địa phương với qui hoạch chung của Vùng.

Ngân hàng thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ KH-ĐT trong quá trình lập qui hoạch và các nhiệm vụ liên quan và các bên liên quan để xây dựng được qui hoạch quan trọng, căn bản hỗ trợ cho toàn bộ quá trình nghiên cứu và xác lập sự phát triển trong tương lai, bà Diji Chandrasekharan Behr nhấn mạnh.

Khánh Hà

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.