Du lịch ĐBSCL: Ba điểm yếu cốt tử
Vẫn là vùng trũng
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch HHDL Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đứng vào top các quốc gia tăng trưởng DL hàng đầu thế giới. Hàng loạt điểm đến và các sản phẩm DL được vinh danh, một số khu DL, cơ sở lưu trú tầm cỡ được xây dựng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển DL.
Tuy nhiên, theo ông Thọ, sự phát triển DL của Việt Nam không đồng đều, vẫn còn những vùng trũng như ĐBSCL, nơi chưa tạo ra sự đột phá. Là vùng đất giàu tài nguyên DL nhưng DL ở đây phát triển khá chậm, cả về lượng khách, về sản phẩm, nguồn nhân lực DL và cả công tác xúc tiến DL.
Bà Võ Xuân Thư - Giám đốc khu vực ĐBSCL của Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, ĐBSCL là một vùng đất trù phú, cây trái quanh năm, sông ngòi tự nhiên rất độc đáo, nền văn hóa đa dạng và ẩm thực rất phong phú.
Đây là những điều kiện cần thiết để góp phần tạo nên những sản phẩm DL có những nét rất đặc trưng của vùng đồng bằng này. Nhưng các tỉnh miền Tây chưa thu hút được nhiều khách DL quốc tế do giao thông chưa thuận tiện, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng và chưa được nhiều người biết đến.
Theo bà Thư, một thực tế đáng lưu ý là tỷ lệ khách quốc tế lưu trú so với lượng khách đến còn thấp. Một trong những lý do là nhiều hãng lữ hành chỉ đưa miền Tây vào chương trình tour đi và về trong ngày đi từ TPHCM.
Trong 3,4 triệu lượt khách quốc tế đến ĐBSCL, lượng khách lưu trú chỉ chiếm 1,6 triệu lượt (46%). Nếu trừ Phú Quốc, Kiên Giang (hơn 500.000 lượt) thì chỉ còn khoảng hơn 1 triệu lượt, chiếm trung bình khoảng 38% tổng số khách đến cho các tỉnh còn lại.
Ba hạn chế lớn nhất
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho rằng kết quả đạt được của DL ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. So với 14 tỉnh miền Trung, năm 2018 khách quốc tế đến 13 tỉnh ĐBSCL chỉ bằng 1/3 và thấp hơn nhiều nếu so với 7 tỉnh kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Trong 22 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất cả nước, vùng này chỉ có 2 tỉnh là Kiên Giang (xếp thứ 12) và Cần Thơ (thứ 15).
Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, ba hạn chế lớn nhất của DL ĐBSCL là: Thứ nhất, các sản phẩm bị trùng lặp với miệt vườn, sông nước nên chưa hấp dẫn khách lưu lại dài ngày, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thứ hai, công tác xúc tiến quảng bá DL còn yếu, chưa hiệu quả, chưa hình thành được thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Và thứ ba, nguồn nhân lực qua đào tạo còn thấp.
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực HHDL Việt Nam, nhân lực DL nước ta đang bị thiếu và yếu, riêng ĐBSCL tình trạng này càng trầm trọng.
Với khoảng 50.000 người, nhân lực DL của vùng chỉ chiếm 2,5% cả nước. Sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút nguồn nhân lực DL rất nặng nề. Các doanh nghiệp (DN) thường tập trung khi thu hút nhân lực của các DN DL khác mà không tự đào tạo là phổ biến ở ĐBSCL.
Trong khi đó, cơ sở đào tạo DL ở ĐBSCL không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của DN, còn các sinh viên, lao động giỏi trong lĩnh vực DL lại có xu hướng đến TPHCM làm việc. “Cơ quan nhà nước chưa có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực nhân lực, kinh phí nhà nước hỗ trợ cho đào tạo nhân lực rất nhỏ bé.
Hầu hết DN DL ở khu vực ĐBSCL là nhỏ về quy mô, yếu về tiềm lực kinh tế nên khó huy động nguồn lực xã hội trong công tác xúc tiến DL. Mặt khác, DN DL chỉ xúc tiến sản phẩm của mình còn việc giới thiệu điểm đến là của cơ quan quản lý nhà nước về DL” - ông Bình nói.
Cũng theo đại diện HHDL Việt Nam, một vài địa phương như Cần Thơ đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến DL cho địa phương mình ở các trung tâm của cả nước, còn lại hầu hết các tỉnh khác không triển khai công tác xúc tiến DL mà chỉ tập trung tổ chức lễ hội, ngày văn hóa DL của địa phương.
Lễ hội tuy cũng góp phần thu hút khách nhưng không nhiều. Có sự lẫn lộn giữa tổ chức các lễ hội và làm quảng bá xúc tiến DL ở địa phương, do vậy kinh phí xúc tiến đã ít lại gây lãng phí và làm khó cho DN khi luôn luôn huy động đóng góp cho các sự kiện ở địa phương.
Theo đại diện DN, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn có nêu giải pháp điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú DL ngang bằng với giá điện sản xuất.
Tuy nhiên, đến nay các cơ sở lưu trú vẫn chưa được áp dụng ưu đãi này mà vẫn phải đang trả tiền điện theo giá điện kinh doanh, đặc biệt năm 2018 đến 2019 giá điện tăng thêm 8,4% với mức giá 4.251 đồng/Kwh cho giờ cao điểm (cao hơn 30% so với giá điện sản xuất). Với đặc thù kinh doanh thường phải sử dụng vào giờ cao điểm, đây là một gánh nặng chi phí cho các cơ sở lưu trú.
Sáng 29/11, Hội chợ Du lịch Quốc tế Cần Thơ 2019 với chủ đề "Du lịch ĐBSCL với cả nước" đã khai mạc, thu hút 320 gian hàng của trên 350 DN và cơ quan xúc tiến DL đến từ 6 quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ, Cuba, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia) và trên 25 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là sự kiện DL lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức ở Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và tham quan hội chợ.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, ba hạn chế lớn nhất của DL ĐBSCL là: Thứ nhất, các sản phẩm bị trùng lặp với miệt vườn, sông nước nên chưa hấp dẫn khách lưu lại dài ngày, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thứ hai, công tác xúc tiến quảng bá DL còn yếu, chưa hiệu quả, chưa hình thành được thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Và thứ ba, nguồn nhân lực qua đào tạo còn thấp.
Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch HHDL ĐBSCL cho biết, năm 2019, vùng ĐBSCL ước đón 47 triệu lượt khách (tăng 7 triệu lượt so với năm 2018), trong đó khách lưu trú đạt 13,5 triệu lượt (tăng 3,3 triệu lượt), doanh thu DL toàn vùng ước đạt 30.000 tỷ đồng (tăng 6.000 tỷ đồng).
Toàn vùng hiện có gần 2.500 cơ sở lưu trú, lao động trong ngành DL là trên 50.200 người, trong đó lao động qua đào tạo chiếm gần 50%...
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Ngành DL luôn được Đảng ta xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Trong quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, vùng có mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ, DL sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mekong mang tầm quốc gia và quốc tế với các sản phẩm DL đa dạng, đặc thù vùng sinh thái sông nước, biển đảo.
Đồng bằng sông Cửu Long liên kết phát triển du lịch (trong ảnh: Khách nước ngoài thăm quan trên sông nước ở Bến Tre) Ảnh: phù sa