|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các công ty du lịch nói gì về EU siết visa người Việt?

22:40 | 26/11/2019
Chia sẻ
“Thời gian xin visa du lịch vào khối Schengen sẽ được lãnh sự quán xét 15 ngày làm việc. Lâu nay công ty khi thực hiện xin visa vẫn theo quy trình này không có gì thay đổi, nên du khách hoàn toàn yên tâm" - đại diện Vietravel nhấn mạnh.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin “công dân của một số quốc gia nhất định muốn xin thị thực đi Schengen phải được sự chấp thuận của tất cả quốc gia thuộc khối Schengen” và danh sách “quốc gia nhất định này” có Việt Nam…

Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Vietravel, cho biết: Na Uy cũng thuộc khối Schengen nhưng quy định xin visa mỗi nước là khác nhau, quy định của mỗi lãnh sự quán cũng khác nhau.

Và theo luật của khối Schengen, từ tháng 4-2017, các nước phải đăng thông tin hồ sơ của du khách xin thị thực lên hệ thống chung để các nước Schengen trả lời. Sau khi 26 quốc gia trong khối đồng thuận thì mới in visa ra.

“Thời gian xin visa du lịch vào khối Schengen sẽ được lãnh sự quán xét 15 ngày làm việc. Lâu nay công ty khi thực hiện xin visa vẫn theo quy trình này không có gì thay đổi, nên du khách hoàn toàn yên tâm. Tại Vietravel lượng khách đi du lịch trong khối Schengen chiếm 7% trong tổng số lượng khách đi du lịch nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này trung bình 15%/năm” - bà Giang nói.

Các công ty du lịch nói gì về EU siết visa người Việt? - Ảnh 1.

Thụy Sĩ một trong những điểm đến được du khách chọn lựa.

Cùng nhìn nhận về vấn đề trên, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết quy trình xin visa vào khối Schengen lâu nay vẫn vậy. Chẳng hạn nếu du khách đáp máy bay xuống quốc gia nào đầu tiên trong khối này thì quốc gia đó sẽ xử lý hồ sơ visa của du khách. 

Các quốc gia còn lại đều biết thông tin về du khách đó và có sự chấp thuận visa thông qua hệ thống thông tin chung. Quy trình xét visa của khách du lịch vào Schengen rất chặt chẽ từ lâu cho nên vấn đề này không có gì mới.

Theo ông Huê, visa Việt Nam không thuộc nhóm ưu tiên hay kỳ thị mà thường bị xem xét nghiêm ngặt. Do người Việt hay lợi dụng du lịch trốn lại nên khi xin visa vào các nước tiên tiến rất khó. Nhiều quốc gia xem xét visa Việt Nam rất chặt chẽ như Hàn Quốc, nhất là đối với du khách có hộ khẩu ở các tỉnh hay có người bỏ trốn thì việc xét duyệt khó khăn hơn.

“Theo số liệu thống kê có khoảng 7 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài thì lượng du khách đến châu Âu chỉ 5%-10%. Nguyên do là ngoài điều kiện xét duyệt visa khi phải chứng minh tài chính thì chi phí cho chuyến du lịch cao. Do đó, đa số khách Việt Nam chọn đi du lịch ở các thị trường dễ dàng như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan…” - ông Huê nói.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour, cho hay việc yêu cầu thẩm định hồ sơ visa du lịch qua 26 nước trong khối Schengen vẫn quy định như từ trước đến nay. Công ty chưa thấy có thông báo thay đổi gì. Do đó, du khách không phải lo lắng.

Khối Schengen gồm 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và bốn quốc gia không phải thành viên nhưng là thành viên của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) là Iceland, Liechtenstein, Thụy Sĩ, Na Uy.

Tú Uyên