|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn có đủ sức thao túng giá heo hơi như lời đồn?

06:12 | 02/11/2021
Chia sẻ
16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển, hiện tổng đàn heo thịt trên 6 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn heo thịt của cả nước. Với tỷ trọng này, các doanh nghiệp không thể "thao túng" được thị trường heo hơi như một số tin đồn vừa qua.

Gần đây, có ý kiến cho rằng, các công ty chăn nuôi lớn vì muốn xả lượng heo tồn nên đã điều chỉnh tăng giá, tạo tâm lý vực dậy thị trường chứ thực tế nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi. 

Tuy nhiên, trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết các doanh nghiệp lớn hiện có đàn heo ổn định và việc xuất bán, tái đàn theo kế hoạch nên không thể có chuyện tác động đến giá heo hơi. 

Bên cạnh đó, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển, hiện tổng đàn heo thịt trên 6 triệu con, chiếm 23-24% tổng đàn heo thịt của cả nước. Với tỷ trọng này, các doanh nghiệp không thể "thao túng" được thị trường heo hơi như một số tin đồn vừa qua. 

Mới đây, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết doanh nghiệp lớn thực chất không tác động được giá heo hơi mà chủ yếu do nhu cầu thị trường quyết định. 

"Nếu công ty điều chỉnh được giá thì đã không để giá tuột sâu như thời gian qua, tất cả đều phụ thuộc vào thị trường", ông Huy cho biết.

Cụ thể, khi thị trường tiêu thụ tốt, công ty cũng bán được, thị trường không tiêu thụ, doanh nghiệp cũng không bán được, dù có hạ giá như thế nào.

Nói công ty làm giá thì tôi cho rằng không thể làm được, khi cung vượt cầu thì không thể nào can thiệp, nếu nâng giá lên được thì công ty đâu phải lỗ. Chỉ có thị trường mới quyết định được giá cả.

Trên thực tế, khi xảy ra những biến động lớn về giá heo hơi (tăng mạnh hoặc giảm sâu) đều xuất hiện những tin đồn hoặc những giả định về nguyên nhân của những biến động đó. 

Trước đó, khi giá heo hơi liên lục lao dốc xuống còn khoảng 35.000 - 45.000 đồng/kg, một số ý kiến cho rằng thịt heo nhập khẩu chính là một trong những nguyên nhân lớn. 

Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thú y, 9 tháng đầu năm 2021 lượng nhập khẩu thịt đạt hơn 214,4 nghìn tấn, trong đó thịt heo là 113 nghìn tấn, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt heo trong nước.

Do tỷ trọng thị heo nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (3,6%) so với tổng sản lượng thịt heo trong nước nên nhập khẩu không phải là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng giá heo hơi xuống thấp thời gian qua. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ nhu cầu giảm do các nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19.

Sau khi chính phủ nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, hoạt động giao thông thuận lợi hơn và các nhà hàng mở cửa trở lại. Điều này giúp nhu cầu thịt heo dần phục hồi và giá heo hơi cũng tăng khoảng 20 - 30% so với thời điểm ngày 20/10 lên trên 50.000 đồng/kg. 

Cùng với đó, chu kỳ sản xuất của heo từ khi nuôi heo sau cai sữa đến sinh sản, nuôi heo thịt đến xuất chuồng dài đến 17-18 tháng, như vậy kế hoạch sản xuất phải có từ năm 2020 trở về trước, khi nhu cầu có thay đổi bất thường thì sản xuất không thể thay đổi kịp trong thời gian ngắn. 

Bình thường xuất heo thịt từ 100-120kg/con nhưng khi nhu cầu thị trường tăng có thể xuất chuồng từ 70-dưới 100kg/con, khi thị trường giảm thì phải nuôi thêm thời gian. Nhưng nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng lúc này chủ yếu là mỡ, nên khối lượng heo càng lớn thì giá heo hơi xuất chuồng càng thấp.

Ông Trọng cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục tăng trong dịp cuối năm nhờ nhu cầu tăng cao. Với giá heo hơi khoảng 50.000 đồng/kg như hiện nay, doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, chủ động con giống đã lãi khoảng 5.000 đồng/kg hoặc hòa vốn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang lỗ khoảng 3.000 - 7.000 đồng/kg. 

H.Mĩ

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.