Từ Nhà Trắng đến Eurozone: Lãi suất sẽ biến động ra sao?
Các chính sách thuế quan mạnh mẽ, dự định cắt giảm thuế và xu hướng đồng USD mạnh hơn có thể tác động lớn đến lạm phát và lãi suất.
Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng duy trì hoặc thắt chặt lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ tiếp tục hạ lãi suất do tăng trưởng yếu ở Khu vực đồng euro (Eurozone).
Ngày 20/1 (theo giờ Mỹ), ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với kỳ vọng thay đổi chính sách kinh tế trong và ngoài nước. Chương trình nghị sự của ông tập trung vào các chính sách thuế quan thương mại sâu rộng, dự định cắt giảm thuế doanh nghiệp, hạn chế nhập cư và gia tăng áp lực lên các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những chính sách này có thể ảnh hưởng sâu rộng đến tăng trưởng, lạm phát và lãi suất trên toàn cầu.
ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất?
Chênh lệch giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và Eurozone đang ngày càng rõ rệt. Trong khi Fed có xu hướng giữ nguyên hoặc thắt chặt chính sách để kiểm soát lạm phát, ECB được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Nhà kinh tế cấp cao Hélène Baudchon tại BNP Paribas nhận định rằng, Mỹ sẽ đối mặt với những tác động lạm phát của "Trumponomics" - sự kết hợp giữa chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chính sách tài khóa mở rộng, khiến áp lực giá cả duy trì ở mức cao và buộc Fed phải giữ nguyên chính sách lãi suất.
Ngược lại, bà Hélène Baudchon cũng dự đoán Eurozone sẽ đi theo hướng khác: "Mặc dù tăng trưởng dự kiến được củng cố, nhưng mức tăng sẽ vẫn hạn chế và bị kìm hãm. Tuy nhiên, lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2%, tạo điều kiện để ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất".
Thuế quan sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát và đồng euro?
Đường lối chính sách lãi suất của ECB sẽ phụ thuộc vào cách chính sách của ông Trump triển khai và các tác động lan tỏa đến kinh tế châu Âu.
CaixaBank cho biết, ECB tuân theo chiến lược "dựa trên dữ liệu" nhưng các quyết định có thể chịu ảnh hưởng từ kỳ vọng về chính sách kinh tế Mỹ. Các chính sách thuế quan mà ông Trump đề xuất - từ 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc - được dự đoán sẽ làm tăng lạm phát.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ có chậm lại?
Mặc dù ông Trump thúc đẩy các chính sách cắt giảm thuế và bảo hộ thương mại, một số chuyên gia kinh tế lập luận rằng chương trình nghị sự của ông có thể tạo ra những trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Rogier Quaedvlieg tại ABN Amro cảnh báo rằng, các biện pháp thuế quan có thể phản tác dụng, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ vào thời điểm không thuận lợi.
"Thuế quan có thể tác động vào thời điểm đặc biệt bất tiện", ông Rogier Quaedvlieg cho biết và chỉ ra rằng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu trong khi các dấu hiệu giảm phát đã ngừng lại.