|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 11/5: Nhà đầu tư bận tính toán thiệt hơn, đồng USD nhiều lúc đi ngang

18:46 | 11/05/2020
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng USD gần như không biến động vì nhà đầu tư đang còn đánh giá thiệt hại kinh tế của COVID-19 với việc nhiều nước đang bắt đầu hoặc cân nhắc mở cửa kinh tế trở lại.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (11/5), vào lúc 18h20 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 11/5: Nhà đầu tư bận tính toán thiệt hơn, đồng USD nhiều lúc đi ngang - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp USD/JPY tăng cao nhất với mức tăng 0,6% và cặp NZD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,77%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 11/5: Nhà đầu tư bận tính toán thiệt hơn, đồng USD nhiều lúc đi ngang - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 11/5: Nhà đầu tư bận tính toán thiệt hơn, đồng USD nhiều lúc đi ngang - Ảnh 3.

Đồng USD gần như đi ngang

Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD gần như không biến động mạnh vì nhà đầu tư đang bận đánh giá thiệt hại kinh tế qua các dữ liệu được công bố thời gian gần đây với việc nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại.

Vào lúc 13h45 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính chỉ nhích nhẹ 0,02% lên ngưỡng 99,785 điểm. Khi đó, cặp tỷ giá EUR/USD về cơ bản đi ngang ở ngưỡng 1,0843 USD/EUR, trong khi cặp GBP/USD tăng 0,1% để giao dịch quanh mức 1,242 USD/GBP.

Cũng vào thời điểm trên, cặp tiền USD/JPY tăng mạnh 0,4% lên ngưỡng 107,12 JPY/USD.

Tại châu Âu, các cửa hàng và tiệm làm tóc đã có thể mở cửa trở lại ở Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng tiền chung euro, sau khi chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron ban bố lệnh phong tỏa được xem là nghiêm ngặt nhất khu vực gần hai tháng qua.

Theo tổng hợp của Investing.com, các nước châu Âu khác như Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Italy và Đức cũng đang bắt đầu hoặc lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa.

Ngay cả Anh, nước hiện đang ghi nhận nhiều ca tử vong nhất tại châu Âu, cũng đã công bố các kế hoạch nhằm nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tới. Đồng GBP đã tăng khoảng 0,5% kể từ khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố kế hoạch này hôm 10/5.

Trong khi đó tại Mỹ, California, Michigan và Ohio - ba trong số các tiểu bang chế tạo quan trọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đã cho phép nhà máy và một số doanh nghiệp quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ kể từ cuối tháng 3 năm nay đã tăng vọt lên hơn 30 triệu vào tuần trước. Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đêm 10/5 cảnh báo rằng tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể đã lên đến 25% chứ không phải 14,7% như trong báo cáo việc làm công bố tuần trước.

Trong hôm nay, nhà đầu tư sẽ không đón nhận nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng. Tuy nhiên từ giữa tuần, thị trường sẽ tiếp nhận loạt dữ liệu kinh tế như doanh số bán lẻ và sản lượng cộng nghiệp của cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Tâm điểm chú ý trong tuần này cũng có thể là đề xuất khôi phục kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC). Nhà đầu tư có thể quan tâm đến qui mô và nguồn tài trợ cho gói giải cứu kinh tế của khu vực đồng tiền chung, đặc biệt là khi các nước thành viên còn đang bất đồng về một phản ứng chung.

Nhóm nhà phân tích tại ING cho hay: "Chúng tôi vẫn hoài nghi về gói kích thích kinh tế của EU vì qui mô Quĩ Phục hồi mà EC đề xuất khá hạn chế".

Ngoài ra, các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ bàn đến khả năng bơm thêm kích thích sau khi tòa án tối cao Đức gần đây đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một số chính sách tiền tệ mà ECB cân nhắc sử dụng.

Cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) Francois Villeroy de Galhau đã làm rõ rằng ECB nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh kích thích kinh tế trước khi triển vọng tăng trưởng xấu đi vì lạm phát.

Khả Nhân

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.