|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhờ 3 biện pháp này, nhiều nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại mà không làm tăng ca nhiễm mới

17:08 | 08/05/2020
Chia sẻ
Việt Nam, Hong Kong và Hàn Quốc là ba trong số các nền kinh tế châu Á đang thành công trong quá trình nới lỏng lệnh hạn chế và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, tạm thời ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai bằng bộ ba biện pháp: xét nghiệm trên diện rộng, chia sẻ dữ liệu với công chúng về vị trí ca nhiễm và kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân.

Hoa tulip đang nở rộ ở Seoul và bác sĩ Jerome Kim đang đi dạo cùng vợ trong chiếc khẩu trang KF-94 mà chính phủ Hàn Quốc cấp, cùng lúc nhận tin nhắn cảnh báo về một ca xác nhận nhiễm COVID-19 mới trong khu phố.

Ông Kim - hiện là Tổng giám đốc Viện Vắc xin Quốc tế, bấm vào cảnh báo trên điện thoại và liên kết điều hướng đến một trang web của thành phố, trong đó nêu rõ chi tiết về các địa điểm mà bệnh nhân lui tới trong vài ngày qua.

Trong khoảng 10h - 10h15 sáng ngày 2/5, người bệnh nhân giấu tên đã ghé thăm một siêu thị để mua ớt, camera an ninh và giao dịch thẻ tín dụng xác thực điều này, bác sĩ Kim nhớ lại.

Một số khu vực tại châu Á mở cửa trở lại mà không làm gia tăng ca nhiễm mới nhờ 3 biện pháp này - Ảnh 1.

Các tin nhắn cảnh báo chính phủ Hàn Quốc gửi đến người dân về tình hình dịch bệnh. (Ảnh: AFP)

Cảnh báo bằng tin nhắn

"Vợ chồng tôi nhìn nhau và nói, 'À, chúng ta đã ở đó nhưng vào chủ nhật ngày 3/5'", bác sĩ Kim mỉm cười nói. "Thông báo lịch sử di chuyển của bệnh nhân tức là đang đổi quyền riêng tư cá nhân với lợi ích chung của cộng đồng, tuy nhiên đó là một quyết định mà chính phủ cần phải thực hiện. Tôi nghĩ Hàn Quốc đã tạo ra sự khác biệt", bác sĩ Kim nói thêm.

Cảnh báo trên chỉ là một trong hàng trăm tin nhắn mà mỗi người dân Hàn Quốc nhận được kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào ngày 20/1.

Bác sĩ Kim cho rằng dù gây ảnh hưởng đến dữ liệu riêng tư, việc chia sẻ thông tin như vậy đã giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm ngay cả khi hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại.

Gửi cảnh báo bằng văn bản để theo dõi lịch sử dịch tễ của bệnh nhân nhiễm COVID-19 là một trong nhiều quyết sách của chính phủ các nước trên khắp châu Á khi dịch bệnh bùng phát trước phần còn lại của thế giới nhiều tuần liền.

"Virus SARS-CoV-2 muốn tìm cơ hội để lây lan và nếu các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ quá nhanh chóng, đại dịch có thể tái bùng phát", tiến sĩ Maria Van Kerkhove - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho hay.

"Cách duy nhất để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch chính là tìm ra các ca nhiễm, cách li các trường hợp có tiếp xúc với người bệnh", tiến sĩ Kerkhove nhấn mạnh.

Chính phủ Việt Nam cũng áp dụng chính sách tương tự, thông báo rõ ràng về lịch sử di chuyển của các ca bệnh trên nhiều kênh truyền thông từ cấp trung ương xuống địa phương.

Một số khu vực tại châu Á mở cửa trở lại mà không làm gia tăng ca nhiễm mới nhờ 3 biện pháp này - Ảnh 2.

Một tin nhắn mà Bộ Y tế Việt Nam gửi đến người dân. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, các bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông,... đều liên tục nhắn tin cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm cũng như các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc đông người.

Các nước bị đại dịch tấn công sau này hiện đang ở giai đoạn đầu của một chu kì bùng phát và có một lợi thế khác biệt: kinh nghiệm chống dịch mà họ có thể áp dụng.

Tuy nhiên, khi chia sẻ với CNBC các chuyên gia y tế cho rằng chính phủ Mỹ đang không lưu tâm đến những chính sách nào có hiệu quả hay không có hiệu quả ở nước ngoài. Nhóm chuyên gia dự đoán virus SARS-CoV-2 tại Mỹ nhiều khả năng sẽ bùng lên trở lại như đang xảy ra ở Singapore và Nhật Bản.

Xét nghiệm hàng loạt và tra lịch sử dịch tễ

Theo CNBC, Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia ngăn chặn được đại dịch COVID-19 mà không phong tỏa nền kinh tế. Thay vì cách li toàn bộ một số thành phố như Trung Quốc hay đóng cửa doanh nghiệp và nhà máy như châu Âu và Mỹ, Hàn Quốc đã thực hiện chương trình xét nghiệm và kiểm tra lịch sử dịch tễ lớn nhất thế giới.

Giới chức y tế Hàn Quốc đã triển khai chương trình xét nghiệm hàng loạt. Tính đến giữa tháng 3, CDC Hàn Quốc cho biết nước này đã xét nghiệm cho hơn 259.000 người và xác nhận hơn 8.000 ca nhiễm bệnh.

Hàn Quốc đã thành lập hàng trăm trung tâm xét nghiệm tại chỗ, truy tìm nguồn gốc của các ổ dịch địa phương và cách li những người có thể đã tiếp xúc với virus. Trong tháng 3 và đầu tháng 4, số ca dương tính mới ở Hàn Quốc đi ngang trong khoảng 100 ca/ngày.

Vì chính quyền Seoul không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn, việc người dân tự nguyên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch chính là chìa khóa, bác sĩ Jerome Kim cho hay. Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích doanh nghiệp cho nhân viên không thiết yếu làm việc tại nhà và phân bổ vật tư y tế miễn phí như khẩu trang cho mọi hộ gia đình có yêu cầu.

Hong Kong cũng chứng kiến nhiều ổ dịch cục bộ trên toàn đặc khu hành chính, nhiều trong số này được "nhập khẩu" từ Trung Quốc đại lục vào tháng 2 và tháng 3, tiến sĩ Keiji Fukuda thuộc Đại học Hong Kong cho biết.

Vị tiến sĩ trên nói thêm, Hong Kong đã kiểm soát được tình hình thông qua xét nghiệm và kiểm tra lịch sử dịch tễ nghiêm ngặt cũng như bằng một số biện pháp giãn cách xã hội.

Một số khu vực tại châu Á mở cửa trở lại mà không làm gia tăng ca nhiễm mới nhờ 3 biện pháp này - Ảnh 3.

Khung cảnh một điểm xét nghiệm nhanh tại Hà Nội vào đầu tháng 4. (Ảnh: Bộ Y tế)

Tính đến ngày 27/4, Việt Nam đã xét nghiệm được 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 ca nhiễm COVID-19. Tỉ lệ phát hiện dương tính là khoảng 0,13% - nằm trong nhóm có tỉ lệ số ca dương tính trên số ca xét nghiệm thấp nhất thế giới.

Ngoài ra, từ đầu tháng 4, chính phủ Việt Nam còn lập thêm các điểm xét nghiệm nhanh tại cộng đồng, thu hút nhiều người dân đến xét nghiệm sơ bộ.

Ngày 7/5, thông qua các biện pháp cách li tập trung để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai từ nước ngoài về, Việt Nam đã phát hiện thêm 17 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính trên khắp cả nước lên con số 288.

Khả Nhân