|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường lên xuống không ngừng vì tin tức thương mại, nhà đầu tư kiệt sức

15:01 | 11/10/2019
Chia sẻ
Mấy ngày gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục biến động thất thường theo từng tin tức, dù là nhỏ nhất, về quá trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều nhà đầu tư mất ăn mất ngủ.

Trưa ngày 10/10 – ngày đàm phán đầu tiên giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, chỉ số S&P 500 đột nhiên đi xuống mà không ai rõ vì sao.

Một tài khoản Twitter khá có tiếng đăng thông báo nghi vấn "Hình như đoàn đàm phán gọi nhầm bữa trưa?"

Đây chỉ là một lời nói đùa nhưng cũng có không ít nhà đầu tư tưởng là thật. Từ gần hai năm qua, các dòng tít báo về thương mại đã vô số lần làm náo động thị trường nhưng sự căng thẳng trong hai ngày qua đã lên tới mức vô lí.

Chỉ số chứng khoán Mỹ đột ngột tăng sốc phiên thứ Tư 9/10 sau khi tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times – báo lớn của Nhà nước Trung Quốc) đưa tin phái đoàn đàm phán Trung Quốc sang Washington chuyến này sẽ vô cùng đông đảo.

Sang ngày 10/10, thị trường tiếp tục tăng lên sau tin đoàn Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc đàm phán vẫn sẽ kéo dài trong hai ngày chứ không bị cắt ngắn như tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin trước đó, thị trường tiếp tục đi lên – bất chấp việc ông Trump không khẳng định ông sẽ kí kết thỏa thuận.

Trả lời hãng tin Bloomberg, ông Matt Maley, chiến lược gia thị trường tại Miller Tabak + Co. nói: "Mọi chuyện đôi lúc thật nực cười. Thị trường biến động theo từng mẩu tin tức nhỏ nhất".

S&P 500

Nguồn: Bloomberg.

Nói vậy không có nghĩa là nhà đầu tư không nên theo sát diễn biến đàm phán. Cả thị trường đã ngóng đợi nhiều tuần nay chỉ để nhận được một vài dấu hiệu về hướng giải quyết cuộc tranh chấp thương mại đang gây thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế thế giới.

Đã có một vài dấu hiệu cho thấy hai quốc gia sẵn sàng thỏa hiệp, bao gồm việc đưa một hiệp ước tiền tệ vào giải pháp thương mại, mua thêm nông sản và nới lỏng lệnh cấm vấn với đại gia công nghệ Huawei.

Dù vậy, đây quả thực là một tuần dài đối với nhà đầu tư Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.

Trao đổi với Bloomberg, ông Lale Topcuoglu – một nhà quản lí quĩ cấp cao tại JOHCM nói: "Tôi thực sự kiệt sức vì vụ đàm phán này".

Trong một dòng tweet đăng sáng 10/10 (giờ Mỹ), ông Trump viết: "Một ngày đàm phán quan trọng với Trung Quốc. Họ muốn đạt được một thỏa thuận nhưng tôi thì chưa chắc. Ngày mai tôi sẽ gặp với Phó Tướng Trung Quốc tại Nhà Trắng".

Trước đó, tờ South China Morning Post (SCMP) đêm 9/10 đưa tin cuộc đàm phán cấp thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đầu tuần này đã đi vào bế tắc. Vì vậy, cuộc đàm phán cấp cao được mong đợi sẽ chỉ diễn ra trong một ngày 10/10 thay vì trong hai ngày như kế hoạch ban đầu.

Cũng theo SCMP, phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ rời Trung Quốc vào cuối ngày thứ Năm 10/10. Sau thông tin tiêu cực này, giá hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones có lúc sụt hơn 300 điểm.

Hợp đồng tương lai cổ phiếu hồi phục phần nào sau khi CNBC dẫn lời một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết thông tin của SCMP là không chính xác.

Tuy nhiên về sau, một người tham dự vào quá trình đàm phán đã tiết lộ với hãng tin CNBC rằng lịch trình chuyến đi của đoàn Trung Quốc đã trở nên "linh hoạt" và ngày thứ Sáu (11/10) vẫn là một "câu hỏi mở".

Sau đó, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết Trung Quốc đến với bàn đàm phán lần này với "sự chân thành lớn lao" và sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong các vấn đề như cán cân thương mại và tiếp cận thị trường.

Trong đêm 9/10 (giờ Mỹ), Bloomberg News cũng đưa tin rằng Mỹ đang xem xét việc đưa một hiệp ước tiền tệ vào thỏa thuận thương mại bước đầu giữa hai nước để ngừng đợt tăng thuế quan sắp tới.

Tờ New York Times thì đưa tin chính quyền Tổng thống Trump sắp cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm không nhạy cảm cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Song Ngọc