|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa vấp phải bộ đôi lực cản: Biến thể Delta và tín hiệu xấu từ Trung Quốc

07:54 | 15/07/2021
Chia sẻ
Từ đầu tuần này, giá của khá nhiều hàng hóa công nghiệp từ dầu thô, ngô đến kim loại đều có xu hướng giảm do nhà đầu tư e ngại ảnh hưởng của biến chủng Delta và khả năng nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.

Giá hàng hóa giảm từ đầu tuần

Từ dầu thô đến đồng và ngô, giá của nhiều hàng hóa đã giảm đáng kể vào đầu tuần này do sự lây lan của biến chủng Delta và lo ngại về tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc, nước tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới.

Cụ thể, giá dầu Brent có thời điểm giảm 1,7% xuống còn 74,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá đồng mất 1,1% xuống còn khoảng 9.390 USD/tấn - thấp hơn 1.000 USD so với mức đỉnh xác lập hồi tháng 5 năm nay.

Giá vàng cũng yếu hơn khi đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với những khách hàng nắm giữ các đồng tiền tệ khác. Có lúc giá vàng giảm 0,6% xuống còn khoảng 1.800 USD/ounce.

Đầu tuần này, giá ngô giao dịch quanh mức 6,23 USD/giạ, giảm 20% so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 5. Theo Financial Times, nguyên nhân là do thời tiết tại các nông trường trồng ngô ở vùng Trung Tây nước Mỹ đang khá thuận lợi, khiến các thương nhân từng dự đoán giá ngô sẽ tăng mạnh vì khan hiếm nguồn cung rút khỏi thị trường.

Thị trường hàng hóa vấp phải bộ đôi lực cản: Biến thể Delta và tín hiệu xấu từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một giàn khoan dầu thô. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, thị trường hàng hóa còn phải đối mặt với sự bất ổn về nguồn cung dầu thô sau khi OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) không thể đạt được thỏa thuận tăng sản lượng cho các tháng cuối năm nay.

Tuần trước, giá dầu thô đã chạm mức đỉnh ba năm - gần 77 USD/thùng trong bối cảnh hai đồng minh thân cận UAE và Arab Saudi bất đồng ý kiến, dẫn đến bế tắc trong nội bộ OPEC+.

Nhà phân tích Stephen Brennock của hãng môi giới PVM cho rằng sự bất đồng chính kiến trong liên minh dầu mỏ có thể là tiền đề để các nước tự ý bơm dầu thô ra thị trường mà không bị kìm kẹp.

Ông Brennock không ngạc nhiên khi các quỹ đầu cơ rơi vào thế "phòng thủ" và giảm dự báo giá dầu xuống mức thấp nhất trong 6 tuần.

Bộ đôi lực cản

Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta và các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đang che lấp triển vọng của thị trường hàng hóa. Trong gần một năm qua, giá của nhiều hàng hóa đã trải qua đợt tăng phi mã.

Ông Louis Dickson, chuyên gia phân tích ngành năng lượng tại Rystad Energy, cho biết: "Tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu tại nhiều nước trên khắp thế giới. Nếu các nước này buộc phải phong tỏa trở lại, hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ dầu thô cũng sẽ bị hạn chế".

Cuối tuần qua, các bộ trưởng Bộ Tài chính của nhóm G20 đã cảnh báo rằng mức độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế đang có dấu hiệu cải thiện ở châu Âu.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan hồi đầu tuần cho biết thông qua mô hình lây lan của biến chủng Delta ở Anh, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cao có thể khiến các nước phải tái áp dụng một số lệnh hạn chế nghiêm ngặt.

Thị trường hàng hóa vấp phải bộ đôi lực cản: Biến thể Delta và tín hiệu xấu từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Bảng hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đại dịch COVID-19 tại Anh. (Ảnh: Guardian).

Quyết định cắt tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của Trung Quốc hồi cuối tuần trước cũng đè nặng lên các kim loại công nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thông báo sẽ giảm tỷ lệ RRR 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7 nhằm hỗ trợ nền kinh tế tỷ dân.

PBoC ước tính động thái này có thể giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ thanh khoản trong dài hạn. Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại hãng tư vấn ING, cho biết việc giảm tỷ lệ RRR của PBoC có thể hỗ trợ cho các nguyên liệu thô.

"Tuy nhiên, tác động của lần cắt giảm này có thể hơi ngắn vì thị trường vĩ mô vẫn đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng lớn", vị chuyên gia của ING lưu ý.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định, động thái cắt giảm tỷ lệ RRR của Trung Quốc là một phản ứng đối với trục trặc gần đây trong tăng trưởng của đất nước tỷ dân, trong bối cảnh đại dịch tái bùng phát, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hoạt động tiêu dùng nội địa có sự thay đổi.

Khả Nhân