|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Financial Times: Không có siêu chu kỳ hàng hóa nào hết

18:58 | 27/06/2021
Chia sẻ
Hãng tin Financial Times cho rằng, thị trường hàng hóa chỉ đang trải qua một chu kỳ giá bình thường dưới tác động của quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch chứ thực chất không phải siêu chu kỳ như các chuyên gia khác lầm tưởng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa thế giới đã có nhiều khoảnh khắc thăng hoa. Đơn cử, giá quặng sắt giá đồng đã đạt đỉnh mọi thời đại vào tháng 5, trước khi quay đầu giảm vì Bắc Kinh ra sức kiềm chế thị trường. Giá nhôm cũng tăng mạnh và giá dầu thô đang dao động quanh mức tương đối khả quan 75 USD/thùng.

Vậy, liệu nền kinh tế toàn cầu có đang bước vào một siêu chu kỳ hàng hóa mới? Theo Financial Times (FT), đà tăng của thị trường thời gian qua chỉ là một chu kỳ phục hồi bình thường, không phải một siêu chu kỳ như nhiều người lầm tưởng.

Dựa trên lý thuyết và nghiên cứu của nhà kinh tế học người Nga Nikolai Kondratieff, FT đã đưa ra định nghĩa về siêu chu kỳ hàng hóa. Theo đó, trong một siêu chu kỳ thực thụ, giá hàng hóa sẽ tăng liên tục trong 10 đến khoảng 35 năm.

Siêu chu kỳ hàng hóa là sự kiện đặc biệt. Trong 150 năm qua, chỉ có 4 siêu chu kỳ xuất hiện. Trong giai đoạn này, thị trường vẫn có nhiều chu kỳ kinh doanh bình thường khác.

FT tin rằng, giá hàng hóa sẽ giảm dần từ mức đỉnh hiện tại nhưng vẫn neo ở mốc tương đối cao trong vài năm tới. Tóm lại, hãng tin nước Anh dự đoán, giá hàng hóa sẽ không thể liên tục tăng trong một thập kỷ, vốn là điều cần thiết để xảy ra một siêu chu kỳ.

Tất cả các hàng hóa hiện nay đều có một xu hướng chung. Đó là giá của chúng tăng cao hơn do nhu cầu mạnh và nguồn cung yếu, tức là liên quan tới sự mất cân bằng cung - cầu.

Phía cầu

FT cho biết, nhu cầu hàng hóa đang bị triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới chi phối. Do các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, người dân trên toàn cầu phải ở nhà nhiều hơn và chi tiêu mạnh tay hơn mức bình thường cho các mặt hàng như máy giặt, thiết bị tập thể dục, đồ điện tử và nhà ở.

Điều này khiến tổng mức chi tiêu cho hàng hóa công nghiệp tăng nhanh hơn so với xu hướng đại dịch. Do đó, nhu cầu của các nguyên liệu công nghiệp như thép, đồng, quặng sắt và nhôm tăng lên. Thị trường hàng hóa nhờ đó mà tăng trưởng nóng.

Tuy nhiên, đà tăng của nhu cầu hàng hóa công nghiệp sẽ không tồn tại lâu. Khi chính phủ các nước nới lỏng lệnh phong tỏa, người tiêu dùng sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.

Đồng nghĩa rằng, họ sẽ bắt đầu đi đến quán bar, nhà hàng, đi xem phim và đi du lịch. Doanh thu hàng hóa tiêu dùng sẽ giảm, và nhu cầu của các nguyên liệu thô cũng sụt giảm theo.

Financial Times: Không có siêu chu kỳ hàng hóa nào hết - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Các kế hoạch kích thích kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng của chính phủ các nước cũng là một yếu tố đáng chú ý.

Thời gian qua, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, FT nhận thấy nhu cầu đang bắt đầu giảm, khi mà Bắc Kinh phát tín hiệu siết chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) và gói đầu tư hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden không phải là những yếu tố thay đổi cuộc chơi. Theo nhận định của FT, các kế hoạch này sẽ chỉ thúc đẩy nhu cầu kim loại công nghiệp tăng khiêm tốn.

Phía cung

Chính phủ nhiều nước và các cơ quan quốc tế ngày càng quan tâm đến tính bền vững của môi trường và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đơn cử như tham vọng hạn chế nhiệt điện than của Trung Quốc.

Hãng tin nước Anh cho rằng giá hàng hóa sẽ tụt khỏi các mức đỉnh hiện nay do nhu cầu có khả năng suy yếu, nhưng sau đó sẽ ổn định ở những mốc tương đối cao vì nguồn cung bị hạn chế.

Đồng là một ví dụ. Sản lượng đồng đang ở mức khả quan so với dự báo, nhưng đại dịch COVID-19 và các mối lo ngại về đầu tư và môi trường vẫn là mối đe dọa đối với nguồn cung.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, các công ty khai thác sẽ tung ra thị trường một lượng đáng kể kim loại đồng. Vì lẽ đó, trong vài năm tới, giá đồng có thể giảm nhẹ.

Song, từ giữa thập niên 2010, doanh nghiệp đã bắt đầu hạn chế đầu tư khai thác mới. Kết hợp với mối lo về môi trường và bất ổn chính trị ở các nước xuất khẩu đồng, nguồn cung đồng có nguy cơ không bắt kịp nhu cầu, và cuối cùng đẩy giá đồng đi lên lần nữa.

Ngoài ra, có một số yếu tố không cơ bản đang tác động đến giá hàng hóa. Lo ngại về lạm phát đang tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ hàng hóa. Tuy nhiên, FT cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời. Do đó, hành vi đầu cơ có thể không kéo dài lâu.

FT cho biết vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn có thể tác động đến dự đoán của họ. Song, cho đến khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác xuất hiện, hãng tin này vẫn tin rằng thị trường hàng hóa chỉ đang trong một chu kỳ giá bình thường chứ không phải siêu chu kỳ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân