Trung Quốc xả kho dự trữ cũng không thể ghìm cương giá đồng
Giá đồng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng sau khi Trung Quốc thông báo sẽ xả kho dự trữ chiến lược để hạ nhiệt thị trường kim loại đồng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích hàng hóa tin rằng giá đồng giảm xuống lại là cơ hội mới để các thương nhân mua vào, vì động thái của Bắc Kinh không làm thay đổi cán cân cung - cầu của thị trường đồng.
Khá nhiều nhà phân tích dự đoán rằng nguồn cung đồng sẽ bị thiếu hụt trong ít nhất ba năm tới vì các nhà khai thác quặng cần phải có thêm thời gian để bổ sung nguồn cung kim loại này vào thị trường.
Động thái xả kho dự trữ của Trung Quốc
Hôm 16/6, Cục Dự trữ Thực phẩm và Hàng hóa Chiến lược Quốc gia Trung Quốc (NFSRA) tuyên bố sẽ giải phóng một phần kho dự trữ kim loại đồng, nhôm và kẽm để hạ nhiệt thị trường.
Theo Bloomberg, NFSRA sẽ bán hàng theo từng đợt cho các cơ sở chế tạo hoặc nhà máy luyện kim thông qua hình thức đấu thầu công khai. Tuy nhiên, cơ quan này không công bố chính xác khối lượng ba kim loại mà họ dự kiến xả kho.
Động thái mới của chính phủ Trung Quốc khiến giá đồng giảm xuống dưới ngưỡng 4,5 USD/pound để chạm mức đáy hai tháng, Kitco News ghi nhận.
Bình luận về chính sách bất ngờ của Bắc Kinh, chiến lược gia Phillip Streible của công ty thương mại hàng hóa Blue Line Futures cho hay: "Trong ngắn hạn, đây là một cách để giảm giá đồng và buộc các nhà đầu cơ rời khỏi thị trường. Song, các nhà đầu tư dài hạn sẽ coi đó là cơ hội mua vào".
"Chúng tôi vẫn tin tưởng nhu cầu đồng đang tăng trưởng ổn định và kim loại này là một hàng rào vững chắc có thể chống lại lạm phát", ông Streible nói thêm.
Dù giá đồng có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, ông Sean Lusk - quản lý cấp cao của Walsh Trading, cho biết bản thân vẫn lạc quan về kim loại công nghiệp này.
"Trong dài hạn, giá đồng có triển vọng rất tươi sáng. Tôi sẽ phải thận trọng nếu muốn bán tháo đồng vì động thái mới của Trung Quốc. Nhu cầu đồng đang tăng lên và vấn đề nguồn cung không thể giải quyết dứt điểm chỉ bằng kho dự trữ chiến lược của đất nước tỷ dân", ông Lusk giải thích.
Ông Lusk nói thêm rằng, thay vì chú ý đến trung Quốc, ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). "Chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục rót thêm tiền vào nền kinh tế... Nhu cầu hàng hóa của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao khi Fed giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp", vị quản lý nhấn mạnh.
Chuyên gia phân tích Mike McGlone của Bloomberg Intelligence cũng tin rằng việc Trung Quốc giải phóng kho dự trữ đồng không phải là một yếu tố có thể thay đổi bối cảnh thị trường.
Chia sẻ với Kitco News, ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính hàng hóa SIA Wealth Management, cho biết dù giá đồng đã tụt xuống dưới 4,5 USD/pound và có xu hướng giảm trong trung bình 50 ngày qua, động thái bán bán tháo của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại không thực sự gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng giá của đồng.
Quan trọng là bài toán nguồn cung
Trao đổi với CNBC, nhà phân tích Reid l'Anson của công ty tư vấn thị trường Kpler cho biết trong thập kỷ qua, nhiều công ty khai thác đầu tư rất khiêm tốn cho các mở quặng mới.
Do đó, nguồn cung trở nên khan hiếm ngay tại thời điểm giá đồng nhảy vọt và nhu cầu tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới tích cực theo đuổi các dự án năng lượng xanh.
"Khá nhiều nhà sản xuất chi tiêu rất thận trọng trong một thập kỷ qua. Điều này khiến dòng vốn đầu tư trên toàn chuỗi cung ứng bị hạn hẹp, và rõ ràng gây ra vấn đề về nguồn cung", ông l'Anson nhấn mạnh.
Đồng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất, từ chế tạo thiết bị điện tử đến vật liệu xây dựng. Nhu cầu đồng còn được coi là một thước đo của nền kinh tế. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng khoảng 21%.
"Nhiều công ty nhận ra giá đồng đang tăng cao hơn và họ muốn tận dụng thời cơ này, nhưng để đưa các mỏ mới vào hoạt động cần phải mất rất nhiều thời gian", CNBC dẫn lời nhà phân tích l'Anson cho hay.
Hơn nữa, bất ổn chính trị tại Chile, nơi tập trung phần lớn các mỏ khai thác quặng đồng trên thế giới, cũng làm vấn đề nguồn cung trở nên phức tạp hơn.
Tháng trước, liên minh cầm quyền tại Chile đã bất ngờ thất bại và không thể giành đủ số ghế cần thiết để soạn thảo hiến pháp mới. Năm ngoái, người dân Chile đã bỏ phiếu yêu cầu chính phủ viết lại hiến pháp sau các cuộc biểu tình quy mô về tình trạng bất bình đẳng năm 2019.
"Ngoài ra, diễn biến của đại dịch COVID-19 cũng là một yếu tố bất ổn, khó đoán. Do dịch bệnh, doanh nghiệp thực hiện các khoản đầu tư mới chậm hơn so với ban đầu, khoảng 6 đến 12 tháng", vị chuyên gia tiếp tục.