Con đường hạ nhiệt giá hàng hóa của Trung Quốc còn lắm chông gai
Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp, từ hạn chế giao dịch đến giải phóng kho dự trữ quốc gia, để hạ nhiệt thị trường hàng hóa và ngăn ngừa lạm phát. Đến nay, giá của nhiều hàng hóa đã giảm so với mức đỉnh của tháng 5, trong đó giá thép giảm mạnh.
Tuy nhiên, chưa rõ Trung Quốc góp công bao nhiêu và kết quả cũng khá chắp vá: giá than đang phục hồi, trong khi giá kim loại và lương thực tiếp tục giảm. Quan trọng nhất, đà giảm của thị trường hàng hóa có thể không kéo dài lâu và Trung Quốc không còn là nhân tố quyết định như trước.
Thách thức lớn đối với Bắc Kinh hiện nay chính là sự bùng nổ của thị trường hàng hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất, Trung Quốc không còn là trung tâm của thị trường.
Theo Bloomberg, việc giá hàng hóa quay đầu giảm vào tuần trước bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như lập trường chính sách mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và vấn đề thời tiết tại Mỹ. Nếu đợt giảm gần đây chỉ là tạm thời như nhận định của các thương nhân hàng hóa, kho "vũ khí" của Bắc Kinh có thể đã hao hụt khá nhiều.
Ông Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International, cho hay: "Các biện pháp can thiệp có thể giúp giảm bớt áp lực tăng giá nhưng rất khó để thay đổi xu hướng đang diễn ra trên thị trường".
"Lạm phát hàng hóa được thúc đẩy bởi nhu cầu của toàn thế giới chứ không phải bởi Trung Quốc. Trung Quốc đang ở thế bị, họ không phải bên quyết định giá cả hàng hóa", ông Hong nói thêm.
Để biết thị trường hàng hóa sẽ biến động như thế nào trong tương lai, Bloomberg đã tổng hợp sơ lược về một số hàng hóa chính của Trung Quốc trong thời gian qua.
Đồng
Kết thúc phiên giao dịch tuần trước, giá đồng giao sau tại Thượng Hải đã chạm đáy hai tháng, Bloomberg cho hay.
Hôm 16/6, Trung Quốc đã quyết định xả kho dự trữ quốc gia của ba kim loại đồng, nhôm và kẽm; và yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước hạn chế giao dịch trên thị trường quốc tế. Đòn kép này là một dấu hiệu nghiêm túc cho thấy Bắc Kinh đang muốn hạ nhiệt thị trường.
Tuy nhiên, dù biện pháp của Trung Quốc có thể tăng nguồn cung trong nước, các nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi về tác động lâu dài của đất nước tỷ dân đối với thị trường hàng hóa nói chung.
Trong một báo cáo mới, các nhà phân tích của Citigroup cho biết: "Chúng tôi tin đà tăng của thị trường hàng hóa chưa kết thúc".
Biện pháp kép của Bắc Kinh giúp ngăn chặn nạn đầu cơ hơn là giải quyết sự mất cân bằng cung - cầu, nhóm chuyên gia giải thích. Trong bối cảnh tồn kho đồng thấp, khả năng cao là thương nhân sẽ tiếp tục mua vào khi giá giảm, khơi mào cho một đợt tăng mới trong vài tháng tới.
Quặng sắt
Giá quặng sắt vừa có một số tuần biến động mạnh, khi nỗ lực làm dịu giá thép của Bắc Kinh tạo ra kết quả trái chiều: các lệnh hạn chế nguồn cung vẫn tiếp diễn, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi và nhu cầu vẫn tăng cao.
So với mức đỉnh tháng 5, giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng tại Trung Quốc đã giảm khoảng 18%, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình dài hạn. Còn giá quặng sắt chỉ giảm khoảng 10% so với mức cao nhất mọi thời đại hồi giữa tháng 5.
Dù nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc trong nửa cuối năm có thể suy yếu, các gói kích thích chưa từng có trên thế giới có thể thúc đẩy nhu cầu thép và một số vật liệu xây dựng khác.
Hơn nữa, Bắc Kinh đang cố gắng giảm sản lượng thép trong nước. Động thái này kết hợp cùng với các biện pháp hạ nhiệt giá thép có thể phản tác dụng.
Than đá
Hôm 18/6, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã đề cập cụ thể đến than đá giữa lúc các quan chức cấp cao cam kết ổn định thị trường hàng hóa.
Giá thannhiệt ở Trịnh Châu đang tăng trở lại, giá giao sau thậm chí còn nhảy vọt lên mức đỉnh 4 tuần vào tuần trước. Nhu cầu than nhiệt tăng mạnh khi Trung Quốc bước vào mùa hè nắng nóng.
Điều này diễn ra cùng lúc với một loạt các vụ tai nạn mỏ than, khiến nguồn cung than đá bị gián đoạn. Sản lượng than của Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn trong tháng 5, và tồn kho thì ở mức thấp.
Nếu nhu cầu than đá tiếp tục áp đảo nguồn cung, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến kiểm soát giá, căng thẳng hơn ngưỡng mà chính phủ có thể chịu đựng được.
Các quan chức Trung Quốc đã cân nhắc chuyển sang giới hạn biên độ dao động giá. Tuy nhiên, biện pháp này có thể tạo ra nhiều biến động hơn chứ không thể đảo ngược đà tăng của giá than, nhà phân tích Michelle Leung của Bloomberg Intelligence nhận định.
Thịt heo
Giá thịt heo bán buôn ở Trung Quốc đã giảm gần 50% từ giữa tháng 1 năm nay. Dường như chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn kìm hãm đà giảm của thị trường thịt heo. Tuần trước, NDRC đã kêu gọi các nhà sản xuất thịt heo trong nước duy trì sản lượng ở mức "hợp lý".
Đàn heo của Trung Quốc đang dần phục hồi sau khi bị dịch tả heo châu Phi (ASF) tàn phá. Giá thịt heo liên tục ở mức thấp có thể đe dọa triển vọng phục hồi, Bloomberg cảnh báo.
Nhu cầu thấp, sự xuất hiện của những con heo "siêu to khổng lồ" và nhập khẩu thịt heo ngoại ngày càng tăng có thể nới dài đà giảm của giá thịt heo. Hồi tháng 5, Muyuan Foods, công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc, dự đoán rằng giá thịt heo sẽ tiếp tục giảm và phải đến năm tới hoặc thậm chí năm 2023 mới chạm đáy.