Giá hàng hóa lên cơn sốt: Thương nhân hốt bạc, người tiêu dùng nếm trái đắng
Cơ hội đến lần thứ hai với một quỹ phòng hộ
Ông Doug King thành lập quỹ phòng hộ Merchant Commodity Fund từ những ngày đầu của siêu chu kỳ hàng hóa năm 2004. Quỹ này ra đời rất thuận lợi, khi nhu cầu của Trung Quốc đẩy giá của một loạt hàng hóa từ dầu thô đến kim loại đồng lên mức cao kỷ lục.
Thời điểm đó, nhà đầu tư lũ lượt nhảy vào thị trường hàng hóa. Ở thời kỳ hoàng kim, quỹ Merchant Commodity Fund của ông King đang quản lý khoảng 2 tỷ USD tài sản.
Tuy nhiên, siêu chu kỳ trên đã đột ngột kết thúc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự khởi đầu của cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ. Giá hàng hóa lao dốc, các tổ chức lớn ồ ạt rút tiền và nhiều quỹ phòng hộ chuyên nghiệp phải đóng cửa.
Thời gian thấm thoắt trôi qua và một thập kỷ sau, ông King lại có cơ hội mới. Từ đầu năm đến nay, quỹ phòng hộ của vị doanh nhân đã tăng trưởng gần 50% nhờ giá của nhiều nguyên liệu thô như thép, đậu nành chạm mức đỉnh nhiều năm.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu giá hàng hóa chỉ tăng nóng trong ngắn hạn khi nền kinh tế toàn cầu vực dậy từ dịch bệnh, hay đây là dấu hiệu của một sự thay đổi lâu dài trong cấu trúc của nền kinh tế chung.
Chia sẻ với Bloomberg, ông King cho biết: "Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc lạm phát cơ cấu. Thời gian qua, nhu cầu bị dồn nén, và giờ mọi người muốn mua thật nhiều hàng hóa".
Lần đầu tiên kể từ những năm trước cuộc khủng hoảng năm 2008, các ngân hàng trung ương phải lo ngại về lạm phát do giá hàng hóa bùng nổ. Đà tăng của các nguyên liệu thô cũng sẽ tạo ra những tác động chính trị; đồng thời cản trở các nhà hoạch định chính sách trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Đáng chú ý, Trung Quốc - nền kinh tế vốn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu để cung ứng cho hàng triệu nhà máy và công trường xây dựng trên khắp cả nước, đang lo lắng đến mức chính phủ phải ra tay can thiệp giá hàng hóa.
Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã phải đi từ đe dọa trấn áp nạn đầu cơ đến giải phóng kho dự trữ chiến lược của một số hàng hóa như đồng, nhôm và kẽm.
Các biện pháp ghìm cương thị trường chỉ có hiệu quả ở một mức độ nhất định, chẳng hạn như giá đồng đã xóa sạch mức tăng trong năm nay. Tuy nhiên, giá của nhiều mặt hàng khác vẫn còn neo ở mức cao: giá quặng sắt vẫn ở mức kỷ lục, giá thép tại Mỹ đã tăng gấp ba lần trong năm nay, giá than đã nhảy lên mức đỉnh 13 năm và giá khí đốt tự nhiên chưa ngừng tăng.
Ngay cả sau đợt giảm giá gần đây, Chỉ số Giá Hàng hóa Giao ngay của Bloomberg - một thang đo giá của 22 nguyên liệu thô, vẫn tăng 78% so với mức thấp hồi tháng 3/2020, tức là khi đại dịch mới bùng phát.
Dầu thô, mặt hàng quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, vẫn tiếp tục tăng giá trong bối cảnh các nước nới lỏng phong tỏa và liên minh OPEC+ tăng sản lượng rất hạn chế.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent đã tăng 45%. Điều này khiến giới thương nhân và các ngân hàng Phố Wall đề cập đến khả năng giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Lắm kẻ hái bộn tiền
Giá hàng hóa bùng nổ trở lại, từ các quỹ hưu trí đến giới thương nhân, ai ai cũng đang kiếm bộn tiền. Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa của Goldman Sachs Group, cho biết thị trường hàng hóa còn nhiều tiềm năng và vẫn có chỗ cho dòng vốn đầu tư.
"Cơn sốt hàng hóa đang thịnh hành trở lại", vị chuyên gia của Goldman Sachs nhấn mạnh. Dù vậy, Bloomberg lưu ý rằng dòng vốn đầu tư rót vào thị trường hiện nay vẫn chưa lớn bằng giai đoạn bùng nổ 2004 - 2011.
Phố Wall cũng bày tỏ mối quan tâm. Hội nghị nhà đầu tư Robin Hood là một sự kiện thường niên tập hợp nhà sáng lập của một số quỹ phòng hộ tiếng tăm, đơn cử như các ông Paul Tudor Jones, Stanley F. Druckenmiller và Ray Dalio.
Tại hội nghị năm nay, các nhà đầu tư Phố Wall này đã tổ chức một cuộc thảo luận về thị trường hàng hóa. Đây là lần đầu tiên trong ít nhất 5 năm qua, hội nghị Robin Hood bỏ thời gian để đề cập đến các nguyên liệu thô.
Đối với các nhà đầu tư và thương gia đã đổ tiền mặt vào thị trường hàng hóa với hy vọng về một nền kinh tế khởi sắc hậu đại dịch, cơn sốt giá thời gian qua đã mang lại cho họ không ít tiền.
Cargill, tập đoàn thương mại nông sản lớn nhất thế giới, là một ví dụ điển hình. Lợi nhuận của Cargill trong 9 tháng đầu của năm tài chính hiện tại tăng trên 4 tỷ USD, vượt qua số liệu của các năm khác.
Hay như trường hợp của Trafigura Group, công ty thương mại đa quốc gia chuyên về dầu mỏ và kim loại công nghiệp. Lợi nhuận ròng của Trafigura trong 6 tháng tính đến cuối tháng 3 năm nay đã gần bằng tổng lợi nhuận mà hãng kiếm được trong năm kinh doanh thuận lợi nhất trước đó.
CEO Jeremy Weir của Trafigura cho biết: "Các bộ phận kinh doanh cốt lõi của chúng tôi đang vận hành hết công suất".
Người tiêu dùng nếm trái đắng
Còn với người tiêu dùng, giá hàng hóa tăng cao lại khơi dậy những ký ức về lạm phát. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng gồng gánh để đảm bảo giá hàng tiêu dùng đến tay người dân không nhảy vọt. Điều này đang đẩy chỉ số giá sản xuất ở một số nền kinh tế tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc là một trường hợp.
Song, sớm muộn gì người tiêu dùng cũng sẽ chịu ảnh hưởng, Bloomberg cảnh báo. Từ Unilever đến Procter & Gamble (P&G), ngày càng nhiều công ty công bố kế hoạch tăng giá trong thời gian tới.
Chia sẻ với các nhà đầu tư sau buổi công bố kết quả kinh doanh quý I năm nay, ông Graeme Pitkethly, CFO của Unilever từng nói: "Lạm phát hàng hóa đang tăng lên mức mà chúng tôi chưa từng thấy trong một thời gian dài. Lạm phát hàng hóa này ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp".
Trao đổi với Bloomberg, CEO Ivan Glasenger của gã khổng lồ thương mại hàng hóa Glencore dự đoán: "Giá hàng hóa sẽ còn tăng cao trong dài hạn".