|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa (23/11): Giá cà phê, gạo Việt Nam giảm, xuất khẩu cá tra cuối năm

19:19 | 23/11/2018
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin giá cà phê giữa tháng 11 giảm do áp lực dư cung. Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng tuần thứ ba liên tiếp, trong khi đồng loạt giảm tại Việt Nam, Thái Lan.

1.Giá cà phê giữa tháng 11 trở lại xu hướng giảm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 ngày giữa tháng 11, giá cà phê quay đầu giảm sau hơn một tháng phục hồi do nguồn cung dồi dào khi Việt Nam, Mexico và khu vực Trung Mỹ vào vụ thu hoạch mới và tồn kho ở mức cao.

Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê niên vụ 2017 - 2018 đạt 163,5 triệu bao, tăng 4,8% so với vụ 2016 - 2017. Lượng tiêu thụ đạt 161,9 triệu bao, dư thừa 1,6 triệu bao.

2. Thương mại thế giới mất gần 500 tỷ USD do hạn chế nhập khẩu

WTO cho biết trong vòng 6 tháng gần đây, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu tác động tới số lượng hàng hóa trị giá gần 500 tỷ USD.

WTO tỏ ra đặc biệt quan ngại khi mà từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 10, 40 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới đã được các quốc gia G20 dựng lên nhằm ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa.

Đây là con số lớn nhất mà WTO ghi nhận được kể từ năm 2012 khi tổ chức này bắt đầu theo dõi diễn biến của các biện pháp hạn chế nhập khẩu trên thế giới. Như vậy, trung bình mỗi tháng các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra 8 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới, trong đó có hàng rào thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, thuế xuất.

3. Guolian dự báo tiêu thụ tôm toàn cầu tăng lên 6,5 triệu tấn năm 2025

Zhanjiang Guolian Aquatic Products, công ty sản xuất tôm nuôi lớn nhất của Trung Quốc dự báo tiêu thụ tôm toàn cầu sẽ tăng lên 6,5 triệu tấn năm 2025 từ 5,2 triệu tấn năm 2020 và 4,5 triệu tấn năm 2017. Như vậy tốc độ tăng trưởng hàng năm sẽ đạt khoảng 4,75%.

Phần lớn tốc độ tăng trưởng này sẽ bị chi phối bởi Trung Quốc vì tiêu thụ tôm ở khu vực thành thị dự kiến tăng lên 26,5 tỷ NDT (3,8 tỷ USD) năm 2022 so với 10 tỷ NDT năm 2012.

Phần lớn lượng NK tôm của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến lớn của nước này. Sau đó, tôm chế biến được tái XK ra khỏi châu Á sang các lục địa khác như Mỹ.

4. Gần Tết, Việt Nam nhập siêu

Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, 15 ngày đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu được 10,632 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 11 có 3 nhóm hàng xuất khẩu thu về từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại đạt 2,398 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,276 tỷ USD; dệt may đạt 1,212 tỷ USD.

5. Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng tuần thứ ba liên tiếp, trong khi đồng loạt giảm tại Việt Nam, Thái Lan

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ ghi nhận ở khoảng 367 - 375 USD/tấn trong tuần này, từ mức 363 - 371 USD trong tuần trước.

Đồng rupee đã lên mức cao nhất trong hơn hai tháng, khiến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ giảm.

"Giá thóc đã tăng tại Chhattisgarh và các bang lân cận khác, theo đó kéo giá xuất khẩu tăng lên", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, phía Nam bang Andhra Pradesh, cho biết.

6. Xuất khẩu cá tra dự báo thuận lợi cuối năm nhưng vẫn cần cẩn trọng

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 11, giá cá tra nguyên liệu tăng do nhu cầu tăng.

Theo đó, tại An Giang tuần kết thúc ngày 8/11, giá cá tra nguyên liệu tăng 500 đồng/kg so với tuần trước đó và tăng 8.500 - 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017.

Diễn biến này tiếp nối đà tăng giá hồi tháng 10. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500- 35.500 đồng/kg (cá loại I, 700 - 900 g/con).

7. Xuất khẩu than bất ngờ quay đầu tăng mạnh

Sản lượng than xuất khẩu trong 10 tháng qua cũng đạt mức 2 triệu tấn, trị giá 274 triệu USD, tăng 24,4% về lượng và tăng gần 25% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính riêng tháng 10/2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật 110 nghìn tấn than, trị giá 14,13 triệu USD, tăng tăng đến 331% về sản lượng và tăng 210% về trị giá so với tháng 9/2018.

Đức Quỳnh