Xuất khẩu cá tra dự báo thuận lợi cuối năm nhưng vẫn cần cẩn trọng
VASEP: Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dự đoán duy trì tăng trưởng hai con số đến cuối năm |
Giá cá tra nối tiếp đà tăng trong tháng 11
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 11, giá cá tra nguyên liệu tăng do nhu cầu tăng.
Theo đó, tại An Giang tuần kết thúc ngày 8/11, giá cá tra nguyên liệu tăng 500 đồng/kg so với tuần trước đó và tăng 8.500 - 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu cá tra dự báo thuận lợi cuối năm nhưng vẫn cần cẩn trọng |
Diễn biến này tiếp nối đà tăng giá hồi tháng 10. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500- 35.500 đồng/kg (cá loại I, 700 - 900 g/con).
Có lúc, giá cá tra đạt đến 36.000 đồng/kg tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, xác lập mức kỉ lục cao nhất trong 10 năm qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn cho hay với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thu lãi từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.
Bộ nhận định giá cá tra tăng cao liên tục trong thời gian qua do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt.
Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.
Mặc dù các hộ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nuôi cá tra như tình hình thiếu hụt nguồn cung vẫn diễn ra. Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 10 tháng năm 2018 ước đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉnh An Giang tăng mạnh nhất 19,3% so với cùng kì lên 283.900 tấn.
Xuất khẩu cá tra có thể lập kỉ lục
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo thị trường cá tra sẽ diễn biến thuận lợi cho người nuôi bởi giá cá tra sẽ tốt ở thời điểm cuối năm. Đặc biệt các dịp lễ cuối năm như Noel, Tết dương lịch sẽ kích thích nhu cầu cá tra.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản nói chung phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm tăng 10 - 20%.
Trao đổi với phóng viên, Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết từ nay đến cuối năm thuận lợi do nhu cầu ở các nước nhập khẩu vẫn tốt trong khi doanh nghiệp không có hàng để bán. Kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt kỉ lục 2,1 - 2,2 tỉ USD và dự kiến tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm 2019.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm tăng mạnh tới 24% lên ngưỡng 1,8 tỉ USD.
Đặc biệt, năm nay Trung Quốc nổi lên là thị trường tiêu thụ mạnh cá tra Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hongkong đạt 437,9 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Có thời điểm, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam.
VASEP nhận định mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường xuất khẩu cá tra lớn này đang dần dần “hạ nhiệt” nhưng dự báo tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn ổn định mức tăng hai con số.
Tuy nhiên, ông Quốc tỏ ra quan ngại trước chất lượng con giống chưa cao và tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp.
“Việc thiếu nguồn cung hiện nay phần lớn là do chất lượng con giống chưa cao và dịch bệnh, ngay cả khi các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm”, ông Quốc cho hay.
Đồng thời, ông Quốc cảnh báo các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với nhau và đảm bảo chất lượng cá xuất khẩu. Theo ông, việc giá cá tra tăng mạnh như hiện nay rất dễ có tình trạng một số doanh nghiệp làm ăn không “đàng hoàng” bơm tạp chất vào cá.
“Điều này có thể là “cái cớ” dể các nước dựng lên hàng rào kĩ thuật hoặc “bôi bẩn” cá tra Việt Nam”, ông Quốc nói.
Ngoài ra mặc dù tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng đang bắt đầu nuôi loại này.
“Đây cũng là mối nguy đối với cá tra Việt Nam”, ông Quốc cho hay.