Xuất khẩu thủy sản có thể 'cán đích' hơn 9 tỷ USD trong năm 2018
Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ tăng trưởng vượt bậc |
"Gam màu sáng" trên thị trường thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 873 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu thủy sản có thể 'cán đích' hơn 9 tỷ USD trong năm 2018 |
Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Bằng Sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500- 35.500 đồng/kg (cá loại I, 700 - 900 g/con). Có lúc giá cá tra đạt đến 36.000 đồng/kg tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, xác lập mức kỷ lục cao nhất trong 10 năm qua.
Bộ NN&PTNT nhận định với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thu lãi 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Bộ giải thích giá cá tra tăng cao liên tục trong hơn một tháng qua do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.
Bộ NN&PTNT dự báo thị trường có thể tiếp tục diễn biến thuận lợi cho người nuôi bởi giá cá tra sẽ tốt ở thời điểm cuối năm.
Thị trường tôm nguyên liệu trong tháng có xu hướng tăng giá nhẹ đối với tôm sú ướp đá và chững giá với tôm thẻ chân trắng. Nguồn cung nguyên liệu giảm dần do đang là vụ nghịch nuôi tôm.
Tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 20 - 40 con/kg dao động 165.000 - 210.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Giá tôm thẻ ướp đá chững giá cho các cỡ 50 - 100 con/kg dao động cỡ 50 con/kg đạt 120.000 - 125.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg: 100.000 - 105.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg 87.000 - 89.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, giá tôm trên thế giới gần đây đã có xu hướng phục hồi kéo giá tôm trong nước tăng lên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm nay. Với những đơn hàng mới đó, Bộ dự báo giá tôm sẽ tăng từ nay đến cuối năm.
Xuất khẩu thủy sản dự đoán cán đích 9,05 tỷ USD
Bộ Công Thương dự báo từ nay tới hết năm, thủy sản là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu có nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm như giá nguyên liệu và giá xuất khẩu có xu hướng tăng. Nhu cầu nhập khẩu tăng bình quân 10-20% trong các tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ, Tết, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, thời gian qua, thủy sản liên tục đón những tin vui từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ.
Đầu tiên là thông tin Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba basa Việt Nam. Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, ngày 10/9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến ngày 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13) là 3,87 USD/kg cho tất cả doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam.
Rào cản vào thị trường Mỹ đối với cá tra khả năng giảm thêm một bậc khi Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) hôm 14/9 đã đề xuất Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá da trơn vào Mỹ.
Theo đó, các đề xuất này thông báo về việc, FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ.
Đối với ngành tôm, mức thuế chống bán phá giá của Mỹ áp lên tôm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn POR 12 là 4,58% thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,39%. Theo VASEP, năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá xuất khẩu tăng cao hơn so với những năm trước, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, các đối thủ khó khăn về sản xuất và thị trường. Cụ thể, Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ làm Thái Lan giảm nguồn cung cho xuất khẩu, Ấn Độ đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi xuất khẩu sang EU và có nguy cơ bị EU cấm...
Do vậy, mặc dù vẫn gặp khó khăn về thẻ vàng IUU của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 vẫn đạt kết quả như kế hoạch đầu năm với kim ngạch 9,05 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2017.