Giá lúa gạo hôm nay 5/3: Giá gạo xuất khẩu chạm đáy 3,5 năm
Giá lúa gạo hôm nay
Theo dữ liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh đã quay đầu giảm trở lại sau khi tăng trong ngày hôm trước.
Cụ thể, các thương lái điều chỉnh giảm 200 đồng/kg đối với giá thu mua lúa Đài Thơm 8 và OM 18, về mức 6.300 – 6.400 đồng/kg.
Trong khi đó, giá các loại lúa khác nhìn chung vẫn ổn định. Hiện lúa OM 5451 được giao dịch ở mức 5.700 – 5.900 đồng/kg, lúa IR 50404 trong khoảng 5.400 – 5.600 đồng/kg; nếp 3 tháng (khô) dao động 9.600 – 9.700 đồng/kg; nếp IR 4625 trong khoảng 7.900 – 8.000 đồng/kg.
Còn tại các khu vực khác của Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo cũng chủ yếu đi ngang. Gạo nguyên liệu OM 380 tiếp tục được thu mua với giá 7.800 – 8.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 ghi nhận ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, tấm 3,4 có giá từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, trấu dao động 850 - 950 đồng/kg.
Giá lúa | ĐVT | Giá mua của thương lái (đồng) | Tăng (+), giảm (-) so với hôm trước |
- Nếp IR 4625 (tươi) | kg | 7.900 - 8.000 | - |
- Nếp IR 4625 (khô) | kg | 10.000 - 10.500 | - |
- Nếp 3 tháng (khô) | kg | 9.600 - 9.700 | - |
- Lúa IR 50404 | kg | 5.400 - 5.600 | - |
- Lúa OM 5451 | Kg | 5.700 – 5.900 | - |
- Lúa Đài thơm 8 (tươi) | Kg | 6.300 – 6.400 | -200 |
- OM 18 (tươi) | kg | 6.300 – 6.400 | -200 |
Giá gạo | Giá bán tại chợ (đồng) | Tăng (+), giảm (-) so với hôm qua | |
- Nếp ruột | kg | 21.000 - 22.000 | - |
- Gạo thường | kg | 15.000 - 16.000 | - |
- Gạo Nàng Nhen | kg | 28.000 | - |
- Gạo thơm thái hạt dài | kg | 20.000 - 22.000 | - |
- Gạo thơm Jasmine | kg | 18.000 - 20.000 | - |
- Gạo Hương Lài | kg | 22.000 | - |
- Gạo trắng thông dụng | kg | 17.000 | - |
- Gạo Nàng Hoa | kg | 22.000 | - |
- Gạo Sóc thường | kg | 18.000 | - |
- Gạo Sóc Thái | kg | 21.000 | - |
- Gạo thơm Đài Loan | kg | 21.000 | - |
- Gạo Nhật | kg | 22.000 | - |
- Cám | kg | 9.000 – 10.000 | - |
Bảng giá lúa gạo hôm nay 5/3 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo xuất khẩu
Trên thị trường xuất khẩu, theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm 1 USD/tấn, xuống chỉ còn 389 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Bên cạnh đó, giá gạo 25% tấm giảm 1 USD/tấn, xuống còn 364 USD/tấn; loại 100% tấm giảm 5 USD/tấn về mức 307 USD/tấn.
Tương tự, gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 412 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao nhất ghi nhận được trên thị trường.
Trong khi sản phẩm cùng loại của Pakistan cũng giảm 2 USD/tấn, xuống còn 378 USD/tấn. Riêng tại Ấn Độ, gạo 5% tấm vẫn giữ ổn định ở mức 405 USD/tấn.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Reuters và VFA
Theo Báo VietNamNet, báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 2 ước đạt 560.000 tấn, thu về 288,2 triệu USD.
Lũy kế đến hết tháng 2, nước ta xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, giá trị đạt 613 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo xuất khẩu tăng 5,9% nhưng giá trị lại giảm mạnh 13,6%. Lý do, giá xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm nay chỉ đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại cuộc họp về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL ngày 4/3, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu, đẩy bán lượng hàng lớn ra thị trường, gây áp lực lên giá gạo.
Chưa kể, sản lượng gạo của Việt Nam, Thái Lan, Pakistan tăng khiến nguồn cung toàn cầu dư thừa kéo giá gạo xuất khẩu giảm sâu.
Trước những khó khăn của ngành lúa gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận và được vay vốn với lãi suất thấp. Từ đó, có khả năng trữ hàng, chủ động hơn về giá hàng hóa, tránh tình trạng bán hàng ồ ạt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VFA còn đề nghị Bộ Công Thương đưa ra quy định giá sàn về xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Theo VFA, có thể xem xét mức giá sàn xuất khẩu là 500 USD/tấn (giá FOB).
Liên quan đến câu chuyện kích hoạt giá sàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bộ này đang nghiên cứu; cùng với đó là việc kích hoạt dự trữ, đảm bảo công tác bình ổn.
Đây cũng là một trong những giải pháp đóng góp vào công tác bình ổn giá lúa gạo. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đàm phán mở cửa thị trường mới bên cạnh thị trường truyền thống để đảm bảo xuất khẩu gạo bền vững trong dài hạn, Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhìn nhận, việc giá gạo trên thị trường thế giới giảm sâu đã tác động đến thị trường trong nước, đặc biệt là khi chúng ta đang vào thời điểm chính vụ Đông Xuân với sản lượng lớn của khu vực ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng, chúng ta phải xác định lại mức độ như thế nào, nguyên nhân do đâu, từ đó đề xuất các giải pháp để quản lý để đưa thị trường lúa gạo ổn định trở lại, phát triển bền vững.