|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cá tra Việt Nam tại Trung Quốc đang chịu áp lực cạnh tranh từ cá lóc

15:04 | 02/12/2024
Chia sẻ
Trang Undercurrent News dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp thuỷ sản Trung Quốc cho biết cá lóc nuôi tại nước này đang nhanh chóng chiếm ưu thế so với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Hiện, cá tra đang nắm giữ 40% thị phần cá chế biến.

 Phát biểu tại Hội nghị Thủy sản Trung Quốc 2024 ở Bắc Kinh, ông Leo Xie, giám đốc Công ty Thủy sản Zhongye có trụ sở tại Quảng Đông, mô tả cá lóc là "người em" của cá tra khi nhấn mạnh sự tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực giúp cả hai loại cá trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc.

"Cả hai loại cá đều có thịt trắng, chắc, vị nhẹ và giàu protein," ông Xie chia sẻ tại hội nghị kéo dài ba ngày do Liên minh Chế biến và Tiếp thị Thủy sản Trung Quốc tổ chức. Ông cũng lưu ý rằng cá lóc rất phù hợp với các món ăn truyền thống như cá nướng, cá om dưa cải và lẩu, giúp tăng sự chấp nhận của người tiêu dùng nhờ giá cả phải chăng và sự quen thuộc.

Sự phát triển của cá lóc nội địa diễn ra song song với việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam giảm mạnh. Theo dữ liệu thương mại của Undercurrent News, lượng nhập khẩu phi lê cá tra đông lạnh của Trung Quốc đã giảm từ hơn 200.000 tấn vào năm 2020 xuống còn 106.000 tấn năm 2023, và chỉ đạt 51.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2024.

Ông Xie lý giải sự suy giảm này do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sản lượng cá lóc nội địa tăng lên. "Cá tra bán rất chạy tại Trung Quốc và có thể phân phối qua mọi kênh. Vậy tại sao cá lóc không làm được?" ông đặt câu hỏi.

Từ năm 2020, khối lượng nhập khẩu cá tra liên tục giảm, với năm 2023 và 2024 ghi nhận mức nhập khẩu thấp hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19.

Sản lượng cá lóc tại Trung Quốc dự kiến đạt 800.000 tấn trong năm 2024, trong đó 40% dành cho các cơ sở chế biến, phần còn lại phục vụ thị trường cá sống. Nông dân đạt mật độ sản xuất ấn tượng 262,5 tấn/ha, nhưng ông Xie nhấn mạnh ngành vẫn cam kết bền vững thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn và đạt chứng nhận quốc tế.

"Chúng tôi không ngừng cải thiện tiêu chuẩn, phối hợp với nông dân kiểm soát dư lượng thuốc và tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại quốc tế," ông nói, đồng thời cho biết một số trang trại đã đạt chứng nhận Best Aquaculture Practices. "Tôi tin rằng ngành cá lóc có tính bền vững."

Ông Xie, từng là nhà xuất khẩu cá rô phi cho Tập đoàn Evergreen Quảng Đông, hiện đang áp dụng phương pháp chế biến cá rô phi vào sản xuất cá lóc, hướng tới các thị trường châu Á với các sản phẩm giá trị gia tăng. Ông nhận định rằng cá rô phi và cá tra đại diện cho "những ngành nuôi trồng thủy sản tiên tiến nhất tại Trung Quốc và Việt Nam."

Nhìn về tương lai, ông Xie tỏ ra tự tin với lợi thế khu vực của Quảng Đông trong nuôi và chế biến cá lóc. "Mục tiêu của chúng tôi là tăng thị phần và quảng bá cá lóc bằng toàn bộ sức mạnh của ngành," ông khẳng định.

H.Mĩ