Thị trường đồ ăn chế biến sẵn Trung Quốc: 'Cơn sốt' nhanh chóng đi xuống sau đại dịch, nhiều cửa hàng nhượng quyền phải đóng cửa vì doanh thu lẹt đẹt
Khoảng 6 tháng trước, David Chang nghĩ rằng ông có một cơ hội kiếm tiền chắc chắn nhờ hoạt động buôn bán thực phẩm chế biến sẵn đang bùng nổ tại Trung Quốc. Bây giờ, ông đã mất hứng thú với công việc kinh doanh, theo Asia Nikkei.
Chang đã nghỉ việc và đăng ký làm đại lý nhượng quyền cho A-Bite, một công ty bán các món đông lạnh. Chang nói A-Bite, đơn vị được thành lập bởi Charles Lu, cựu chủ tịch của Luckin Coffee, từng là đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc, đã nói với ông rằng với khoản phí nhượng quyền một lần là 30.000 nhân dân tệ (4.300 USD), cộng với một phí quản lý hàng năm là 20.000 nhân dân tệ, Chang có thể nhận được tỷ suất lợi nhuận gộp là 50% bằng cách bán bộ dụng cụ ăn uống cho những người tiêu dùng.
Dù được quảng bá rầm rộ nhưng Chang cho biết công việc kinh doanh vẫn chưa diễn ra theo đúng kế hoạch. Ông đã đóng cửa gian hàng thuê rộng 10 m2 của mình trong một siêu thị ở Bắc Kinh vào cuối tháng 8, sau khi mất khoảng 100.000 nhân dân tệ.
Liên doanh thất bại của Chang là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thị trường thực phẩm chế biến sẵn ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và doanh nghiệp cho rằng lĩnh vực này, vốn rất phổ biến với người tiêu dùng trong hai năm đại dịch COVID-19, vẫn có thể mang lại một cuộc sống lành mạnh.
Pu Wenming, người đã mở nhà cung cấp thực phẩm chế biến sẵn Zhenwei Xiaomei Garden vào năm 2019, cho biết sự bùng nổ của ngành sẽ còn phải kéo dài. Ông nói: "Người tiêu dùng sẽ thấy các món ăn được chế biến sẵn mà họ đã ăn trong thời kỳ dịch bệnh đặc biệt tiện lợi và ngon miệng, và họ sẽ ghi nhớ món ăn đó sau khi họ ăn”.
Các nhà quản lý cấp cao của một số nhà sản xuất thực phẩm đồng ý rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại sau đại dịch, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các bữa ăn nấu sẵn sẽ vẫn còn.
Trước đại dịch, các bữa ăn đóng gói sẵn phần lớn được bán cho các nhà hàng, giúp họ giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Hầu hết người tiêu dùng không biết rằng việc sử dụng chúng đã phổ biến tại một số chuỗi nhà hàng và điểm bán đồ ăn nhanh yêu thích của họ.
Khi các đợt phong tỏa vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong nhiều tháng đã gây tác động tiêu cực tới lĩnh vực nhà hàng của Trung Quốc, nhiều công ty thực phẩm chế biến sẵn đã chuyển sự chú ý sang những người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà.
Zhang Yi, lãnh đạo của công ty phân tích iiMedia Research cho biết: “Thực phẩm chế biến sẵn bắt đầu tạo ra làn sóng trên thị trường bán lẻ Trung Quốc từ cuối năm ngoái sau khi các nhà chế biến thực phẩm bắt đầu nhắm mục tiêu vào các khách hàng cá nhân do ngành kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”.
Giờ đây các món ăn truyền thống đều có thể dễ dàng được chuẩn bị tại nhà. Các gói đồ ăn được chế biến sẵn đóng gói cũng được bán tại các siêu thị bao gồm Freshippo của Alibaba và Sam's Club của Walmart.
Apple Li là một khách hàng hài lòng với các sản phẩm chế biến sẵn. "Tôi thích mua các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn vì chúng tiện lợi, nhanh gọn và vì tôi không phải là người giỏi nấu nướng”.
Tiềm năng của thị trường đồ ăn chế biến sẵn
Hơn 10 công ty niêm yết bao gồm Anjoy Foods, Charoen Pokphand Foods và Henan Shuanghui đã bắt đầu sản xuất các bữa ăn chế biến sẵn hướng đến người tiêu dùng vào năm ngoái. Các chuỗi nhà hàng Trung Quốc như Haidilao Hotpot và Xibei cũng vậy.
Suzhou Weizhixiang Food, đã niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải, trong khi những công ty mới như A-Bite thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư cổ phần tư nhân. ByteDance, công ty mẹ của TikTok; Baidu, công cụ tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc và China Renaissance Private Equity đều đã đầu tư vào lĩnh vực này.
Từ năm 2013 đến năm 2021, đã có 71 vòng gọi vốn được thực hiện trong lĩnh vực này, bao gồm 23 vòng chỉ tính riêng trong năm 2021, với tổng vốn đầu tư ít nhất là 10 tỷ nhân dân tệ, theo iiMedia Research. Năm nay, ít nhất 8 startup từ lĩnh vực này đã gọi vốn thành công, với hai công ty ước tính đã huy động được ít nhất 100 triệu nhân dân tệ.
Mặc dù các ước tính về quy mô của thị trường thực phẩm chế biến sẵn khác nhau, nhưng hầu hết dự báo đều chỉ ra rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một báo cáo chung của Hiệp hội nhượng quyền và chuỗi cửa hàng Trung Quốc và China Renaissance ước tính rằng thị trường này có quy mô lên tới 313,7 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái và sẽ đạt 831,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025. Trong khi đó, công ty kiểm toán Deloitte ước tính rằng quy mô thị trường vào năm 2021 là 550 tỷ nhân dân tệ và sẽ đạt 1.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2026.
Zhu Danpeng, một nhà phân tích thực phẩm có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết người tiêu dùng cá nhân chỉ chiếm khoảng 30% thị trường, trong khi 70% bữa ăn chế biến sẵn được bán cho các nhà hàng.
Thách thức với ngành đồ ăn chế biến sẵn Trung Quốc
Dù vậy, ngành công nghiệp này cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là từ khối lượng của các đối thủ cạnh tranh.
"Thanh khoản cho ngành công nghiệp bán đồ ăn sẵn không cao, nhưng rất khó để một công ty có thể mở rộng nhanh chóng. Lấy ví dụ như Weizhixiang được niêm yết tại Thượng Hải. Công ty này là công ty hàng đầu trong lĩnh vực này nhưng thị phần chưa đến 1% vì có là quá nhiều đối thủ”, theo một báo cáo của Sinolink Securities.
Đối với các công ty cố gắng tìm kiếm thị trường ngách và mở rộng, một trở ngại khác là chi phí cao và không đủ phát triển dây chuyền lạnh an toàn cho thực phẩm tươi sống. Nhiều người tiêu dùng đã rất lo ngại về các tiêu chuẩn thực phẩm kể từ năm 2008 khi ít nhất 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng do uống sữa công thức có tẩm melamine.
Zhang Yi từ iiMedia cho biết: “Không dễ để thành công trong kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn ở Trung Quốc, vì trước tiên bạn phải đảm bảo an toàn thực phẩm, điều mà nhiều người tiêu dùng vẫn còn lo ngại. Không phải đơn vị nào cũng làm được điều này”.
Ngay sau khi ra mắt cuối năm ngoái, A-Bite cho biết họ đặt mục tiêu có 3.000 thương hiệu trên khắp Trung Quốc chỉ trong 5 tháng. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 khi có khoảng 500 cửa hàng A-Bite trên toàn quốc, công ty đã ngừng bán nhượng quyền thương mại. Theo Canyan Data, một công ty hàng đầu tập trung vào ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc, giờ đây tổng cộng chỉ có 285 cửa hàng A-Bite trên khắp Trung Quốc.
David Chang cho biết anh được A-Bite nói rằng ông có thể kiếm được ít nhất 60.000 nhân dân tệ/tháng. Tuy nhiên, ông nói rằng doanh thu hàng ngày của cửa hàng nhượng quyền thậm chí còn chưa tới 1.000 nhân dân tệ, không đủ để trang trải chi phí.
Trong khi A-Bite không trả lời yêu cầu bình luận, một Giám đốc sản phẩm do Nikkei Asia tiếp cận cho biết công ty không đảm bảo tất cả các bên nhận quyền sẽ có lợi nhuận. "Mỗi người điều hành có những chiến lược tiếp thị khác nhau. Có những thành công và thất bại trong thế giới kinh doanh, và bạn cần phải chấp nhận điều đó”, nhà quản lý cho biết.
Một số người nhìn nhận song song với sự bùng nổ đầu tư vào rau quả rửa sạch, đóng gói hút chân không vào năm 2015 và 2016 khi thương mại điện tử thực phẩm tươi bắt đầu nổi lên ở Trung Quốc. Nhiều dự án đã gặp phải vấn đề tài chính sau khi đầu tư mạnh vào chuỗi kho lạnh vì doanh thu của họ không đủ bù đắp chi phí.
Tuy nhiên, Pu của Zhenwei Xiaomei Garden nói rằng điều kiện bây giờ đã khác. "Tại sao nhiều dự án bị phá sản trong năm 2015? Nó không được người tiêu dùng ưa chuộng vì có rất nhiều món ăn giá rẻ trên thị trường. Các món ăn vặt đã tăng giá vào năm 2020, và giờ đây, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn rẻ hơn trong các bữa ăn chế biến sẵn”, ông chia sẻ.
Bao Yuezhong, một nhà phân tích bán lẻ có trụ sở tại Sơn Đông, đồng ý rằng dịch vụ hậu cần chuỗi lạnh cần được cải thiện và cho biết các món ăn chế biến sẵn vẫn không ngon hoặc rẻ như nhiều người tiêu dùng mong đợi. Tuy nhiên, cuối cùng, ông tin rằng sự tăng trưởng vẫn nằm ở vấn đề giá cả.
“Các món ăn chế biến sẵn vẫn còn rất nhiều tiềm năng vì ngành dịch vụ ăn uống hiện nay không thể nhanh chóng phục hồi như thời điểm trước dịch bệnh COVID-19”, ông Bao cho biết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/