Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng 'hút' các thương hiệu Nhật Bản
Vừa qua, thương hiệu bán lẻ thời trang lớn của Nhật Bản là Uniqlo, một bộ phận của công ty Fast Retailing đã chính thức công bố khai trương cửa hàng thứ 16 của thương hiệu tại Việt Nam. Uniqlo Thiso Mall Sala sẽ hiện diện tại khu cư dân Sala ngay trung tâm mới Thủ Thiêm. Cửa hàng với diện tích lên tới 1.600m2 này được kỳ vọng sẽ mang tới những trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng.
Về Uniqlo, thương hiệu này đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019 với cửa hàng đầu tiên mở tại TP HCM mang tên Uniqlo Đồng Khởi, phủ trọn ba tầng lầu của Trung tâm thương mại Parkson Lê Thánh Tôn (Quận 1, TP HCM) với diện tích sàn hơn 3.000 m2.
Trải qua thời gian tồn tại và phát triển tại Việt Nam trong suốt những năm qua, thương hiệu Uniqlo đã dần được người dùng Việt biết đến nhiều hơn. Vào mùa dịch COVID-19, thương hiệu này cũng đã thông báo chính thức về việc mở bán dưới hình thức online.
"Sự kiện ra mắt cửa hàng Uniqlo online, cửa hàng Uniqlo lớn nhất tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển và cam kết lâu dài của chúng tôi", Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, Osamu Ikezoe nói. Uniqlo cũng đang đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng để phủ sóng đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Chuỗi bán lẻ Nhật Bản chú trọng ưu tiên các thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM.
Không chỉ Uniqlo, một đơn vị bán lẻ khác của Nhật Bản cũng có những kế hoạch mở rộng tại Việt Nam là Muji. Cụ thể, theo Retailnews Asia, nhắm đến nhóm người tiêu dùng không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế khó khăn, các nhà bán lẻ Nhật Bản đang mở thêm cửa hàng tại Việt Nam.
Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khó khăn kinh tế, Muji vẫn có 5 cửa hàng, ba ở TP.HCM và hai ở Hà Nội. Các cửa hàng của Muji tại Việt Nam lớn nhất với diện tích trung bình khoảng 2.000 m2.
Ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc MUJI Việt Nam cho biết: “Quy mô ở Việt Nam gần gấp đôi mức trung bình ở các nước khác, bao gồm cả Nhật Bản”. Ông nói thêm rằng họ có kế hoạch mở thêm cửa hàng tại Hà Nội trong quý II năm nay.
Một cái tên lớn khác là AEON cũng đã bắt đầu xây dựng cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam vào tháng 2 tại Huế với chi phí 169,67 triệu USD. Đây sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất khu vực miền Trung khi khai trương vào tháng 4/2025
Một cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản cho thấy 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay. Trong số đó, 80% cho biết họ sẽ mở rộng trong một đến hai năm tới.
Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang hoạt động tốt tại Việt Nam một phần vì thị trường bán lẻ Việt Nam cũng giống như một số nơi khác, nơi những người có thu nhập cao dường như có khả năng “né tránh” ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế.
Ông Nagaiwa cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng tại Việt Nam đối với các sản phẩm có giá trị cao”, và cho biết thêm rằng doanh số bán hàng của MUJI vẫn tốt vì người tiêu dùng trẻ thích văn phòng phẩm, mỹ phẩm và đồ nội thất của hãng.
MUJI đã tăng đều đặn tỷ lệ sản phẩm có nội dung địa phương và tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước. Ông Nagaiwa cho biết hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chiếm 30% sản phẩm của hãng và 97-98% đối với các sản phẩm như áo phông, ba lô và túi xách. “Chúng tôi hy vọng những con số này sẽ tăng lên trong tương lai”, Tổng giám đốc Muji Việt Nam chia sẻ.
Thị trường trăm tỷ USD, vẫn còn cơ hội cho "người chơi mới" sau đại dịch
Theo Modor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3% trong giai đoạn 2019 – 2028. Mặc dù cũng chịu tác động lớn của dịch COVID-19, song việc kiểm soát dịch hiệu quả đã giúp doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020.
Việt Nam đang chứng kiến quá trình đô thị hóa diễn ra và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trẻ ở khu vực thành thị, qua đó thúc đẩy tăng trưởng trong các kênh bán lẻ hiện đại như cửa hàng bách hóa và sự mở rộng nhanh chóng của thương mại điện tử.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của các yếu tố như vậy có thể được nhìn thấy trong sự xuất hiện của các hình thức như siêu thị mini, hướng đến nhu cầu mua sắm thực phẩm phù hợp với dòng chảy của lối sống đô thị bận rộn.
Bên cạnh đó, mỗi hình thức cửa hàng lại có những lợi thế riêng, chẳng hạn các cửa hàng bán lẻ hiện đại cung cấp các nhãn hiệu/sản phẩm riêng có thể được mua độc quyền tại các cửa hàng của họ hay các siêu thị cung cấp các sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trung bình.
Tuy nhiên, thị trường Bán lẻ Việt Nam có tính cạnh tranh do có sự hiện diện của các công ty lớn trong nước, nơi các công ty trong nước được ưu tiên hơn các công ty đa quốc gia nhờ thương hiệu và sự thấu hiểu với thị trường nội địa.
Các công ty hàng đầu sử dụng việc phát triển sản phẩm mới, mở rộng, M&A (mua bán và sáp nhập) và hợp tác làm chiến lược để tăng sự hiện diện thương hiệu của họ đối với khách hàng.
Dù vậy, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt khoảng trên 140 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025, theo báo Nhân Dân. Con số này sẽ đóng góp khoảng 59% GDP cả nước.
Ngành bán lẻ cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, các thương hiệu bán lẻ Nhật Bản vẫn có thể tận dụng dư địa này để tiếp tục mở rộng và phát triển ở Việt Nam.