|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thách thức mới nhất với Uniqlo

15:45 | 22/02/2023
Chia sẻ
Thị trường Mỹ là thách thức lớn nhất của hãng thời trang nhanh Uniqlo trong thời gian tới.

Một cửa hàng Uniqlo khai trương ở Việt Nam. (Ảnh: Đức Huy).

Theo South China Morning Post, thách thức lớn nhất đối với kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ của gã khổng lồ thời trang Nhật Bản Uniqlo là làm sao cho nhiều người Mỹ biết họ là ai.

Uniqlo - nhà sản xuất quần áo, được biết đến với những chiếc áo len cashmere giá cả phải chăng và những mẫu quần áo thời trang basic, đang muốn chinh phục tại một trong những thị trường tiêu dùng khó tính nhất thế giới.

Mặc dù Uniqlo đã có các cửa hàng trên những con phố mua sắm ở New York, cũng như các thành phố ven biển khác, song công ty mẹ Fast Retailing còn muốn hơn thế. Họ đang dành ngân sách quảng cáo khổng lồ để thương hiệu được biết đến rộng rãi ở Texas, châu Âu,… tương tự như độ nổi tiếng của nó tại Nhật Bản và châu Á.

Giám đốc điều hành Uniqlo Mỹ và Canada, ông Daisuke Tsukagoshi, cho biết thị hiếu khác nhau về quần áo, tùy thuộc vào thị trường, khiến việc mở rộng trở nên đặc biệt khó khăn. “Chúng tôi bắt đầu từ việc mọi người hỏi Uniqlo là gì”, ông Tsukagoshi, 44 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn tại tòa nhà văn phòng Uniqlo trên một hòn đảo giữa Vịnh Tokyo. “Quảng cáo là hoàn toàn cần thiết, và không có nó thì sẽ không có tăng trưởng”.

Đây là một nhiệm vụ to lớn. Công ty sản xuất quần áo mới chỉ bắt đầu có lãi ở Bắc Mỹ và hiện đang sở hữu 61 cửa hàng ở đó. Nhiệm vụ của Tsukagoshi là tăng gấp ba lần con số đó trong vòng bốn năm tới lên 200 cửa hàng, một thành tích có thể đưa thị trường Mỹ vượt lên trên châu Âu, nơi họ hiện đang điều hành 112 cửa hàng.

 ÔngDaisuke Tsukagoshi. (Ảnh: LinkedIn/Daisuke Tsukagoshi).

“Mục tiêu khá thách thức”, Tsukagoshi chia sẻ, đồng thời cho biết ông thích gặp nhân viên của mình và nhìn vào mắt họ để đánh giá mức độ cam kết của họ đối với sứ mệnh. Mặc dù để đạt được mục tiêu là “không dễ dàng”, Tsukagoshi cho biết “báo cáo tài chính ghi nhận có lãi là một bước tiến, giúp lấy được lòng tin của khách hàng và nâng cao tinh thần” cho nhân viên.

Được biết đến với phong cách đơn giản nhưng thời trang, từ trang phục công sở đến đồ ngủ, Uniqlo đã trở thành một hiện tượng tiếp thị và may mặc tại thị trường quê nhà Nhật Bản. Họ hoàn toàn có khả năng tạo ra thành công tương tự ở các thị trường khác như châu Á, châu Âu. Tuy nhiên, thành công tại Bắc Mỹ là một mục tiêu mà người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Fast Retailing, ông Tadashi Yanai, tìm kiếm từ lâu.

Mặc dù cửa hàng Uniqlo đầu tiên được mở tại New Jersey vào năm 2005, thương hiệu này đã phải vật lộn để đạt được quy mô thành công tương tự như ở Trung Quốc đại lục, nơi Tsukagoshi là giám đốc điều hành từ năm 2017 đến 2020.

Trong thời kỳ đại dịch, nhiều người mua sắm đã rời khỏi các thành phố để tránh lây nhiễm, điều này đã ảnh hưởng đến các cửa hàng vật lý và buộc công ty phải suy nghĩ chiến lược về bán hàng trực tuyến. Thị hiếu cũng chuyển sang quần áo thoải mái khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà nhiều hơn.

Vào lúc cao điểm của đại dịch COVID-19, ông Yanai đã giao nhiệm vụ cho Tsukagoshi tái cơ cấu hoạt động Uniqlo ở Bắc Mỹ. Đây là lần chuyển công tác thứ 18 của Tsukagoshi kể từ khi ông gia nhập Fast Retailing vào năm 2002. Ông bắt đầu đóng cửa các cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả, giảm lượng hàng tồn kho và nắm quyền kiểm soát nguồn nhân lực.

Uniqlo có kế hoạch mở 10 cửa hàng trong năm tài chính hiện tại ở Bắc Mỹ (kết thúc vào tháng 8), tăng số lượng đều đặn để đạt được mục tiêu 200 cửa hàng mà người sáng lập giao phó. Điều này đang đi ngược lại xu hướng của các thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu. Để so sánh, Hennes & Mauritz có 740 cửa hàng H&M ở châu Mỹ, trong khi Gap có hơn 2.000.

Theo Takahiro Kazahaya, nhà phân tích tại Credit Suisse Securities, một rủi ro chính là tránh mở cửa hàng quá nhanh. Ông trích dẫn kinh nghiệm của Uniqlo vào năm 2001, khi hãng này thâm nhập thị trường Anh và mở 21 cửa hàng, chỉ hai năm sau đó họ đã phải đóng cửa 16 cửa hàng.

Đức Huy

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.