|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thấy gì từ chuyện ngân hàng tay phải siết tín dụng BĐS, tay trái mua lại trái phiếu doanh nghiệp?

06:00 | 22/07/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp BĐS đang phải xoay sở thêm nhiều kênh huy động vốn mới sau khi cánh cửa tín dụng ngân hàng dần khép lại. Phát hành trái phiếu là một phương án phổ biến đang được các "ông lớn" địa ốc áp dụng. Nhưng dường như là nghịch lý khi trái chủ lại phần lớn là các ngân hàng.

Nguồn tín dụng bơm vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang dần được siết lại thông qua loạt qui định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Những chính sách này đã và đang tiếp tục tác động trực tiếp đến thị trường địa ốc từ đầu năm đến nay.

Trước mắt là qui định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 45% trong năm 2018 xuống còn 40% trong 2019 theo Thông tư 19. Ngoài ra, dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36 mới đây còn vừa đưa ra qui định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay mua nhà trên 3 tỉ đồng từ mức 50% lên 150%.

Những động thái này đã buộc các doanh nghiệp địa ốc phải xoay sở thêm nhiều cách huy động vốn khác để bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn tín dụng từ ngân hàng. Trong đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được các công ty BĐS áp dụng phổ biến, đặc biệt là từ đầu năm đến nay.

viber_image_2019-07-19_18-23-07

Các doanh nghiệp địa ốc đang phải xoay sở thêm nhiều cách huy động vốn để bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn tín dụng từ ngân hàng. (Ảnh: Hiếu Quân)

Ngân hàng đua nhau mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS

Thị trường đang tồn tại thực trạng tưởng như nghịch lí: trong số các tổ chức đứng ra thu mua trái phiếu của những doanh nghiệp BĐS, chiếm một phần không nhỏ chính là các ngân hàng hoặc công ty con của ngân hàng.

Như vậy, thay vì cho công ty địa ốc vay tín dụng, các nhà băng lại chọn cách mua trái phiếu doanh nghiệp, trở thành những trái chủ của chính những doanh nghiệp BĐS này.

Ngày 28/6, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã: NVL) vừa phát hành 1.300 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất kì đầu tiên 11,75%/năm, các kì tính lãi tiếp theo nguyên tắc lãi suất cơ sở + biên độ tối thiểu 4,25%/năm. Toàn bộ 1.300 trái phiếu này được bán cho Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PvcomBank).

Tương tự, chỉ trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, "ông chủ" của casino Phú Quốc là CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc, cũng liên tiếp phát hành ba đợt trái phiếu cho CTCP Chứng khoán Kỹ thương (công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank) với tổng giá trị lên đến 1.400 tỉ đồng.

Các trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành trong ba đợt này đều có lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên tối đa 10%/năm; các kì tính lãi tiếp theo bằng lãi suất cơ bản + biên độ tối đa 4%/năm.

Techcombank cũng vừa mua 2.229 tỉ đồng trái phiếu của một doanh nghiệp địa ốc khác là Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Tân Liên Phát Sài Gòn. Doanh nghiệp phát hành 2 đợt trái phiếu trong cùng ngày 21/6 vừa qua với kì hạn 12 tháng 1 ngày và kì hạn 36 tháng. 

Đối với số trái phiếu kì hạn 12 tháng 1 ngày, tổng giá trị phát hành là 1.561 tỉ đồng, lãi suất áp dụng cho kì tính lãi đầu tiên là 8,85%/năm; các kì tính lãi tiếp theo bằng tổng của lãi suất cơ sở cộng với biên độ 1,45%/năm.

Còn đợt phát hành còn lại kì hạn 36 tháng có tổng giá trị phát hành 668 tỉ đồng; lãi suất áp dụng cho kì tính lãi đầu tiên 9,35%/năm, 3 kì tính lãi tiếp theo bằng lãi suất cơ sở cộng 1,42%/năm.

Như vậy, dù ở hình thức nào, ngân hàng vẫn là địa chỉ quan trọng mà các doanh nghiệp địa ốc cần vốn tìm đến.

Có phải là cách cho vay "đường vòng"?

Theo Báo cáo Thị trường Trái phiếu Tiền tệ của Công ty Chứng khoán MB (MBS), từ đầu năm đến nay có hơn 60.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Trong đó, nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, BĐS chiếm tỉ trọng đến 82%.

1

2

3

Thống kê doanh nghiệp BĐS, xây dựng, hạ tầng phát hành trái phiếu từ đầu năm 2019. (Nguồn: MBS)

Còn theo báo cáo của VCBS, đối tượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tính vào "room" tín dụng của các ngân hàng như các khoản tín dụng thông thường, tuy nhiên đã có sự dịch chuyển sang các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư.

Tại sự kiện Cafe Doanh nhân diễn ra tại TP HCM mới đây, ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) từng đánh giá: "Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có một số biến tướng như một cách đi đường vòng qua ngân hàng khi chính ngân hàng đứng ra mua trái phiếu của doanh nghiệp".

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đồng quan điểm và phân tích, do ngân hàng bị áp mức trần tín dụng, nên ngân hàng có thể cho doanh nghiệp BĐS vay thông qua hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp BĐS vay vốn ngân hàng phải thông qua quy trình, xét duyệt dự án đầu tư, thế chấp tài sản… Nhưng nếu chuyển qua mua trái phiếu doanh nghiệp (mà không có tài sản đảm bảo) thì sẽ chuyển thành tín chấp và được thông qua hết các quy trình của tín dụng.

'Ngân hàng chọn mua trái phiếu do tính thanh khoản tốt'

Ngược lại, trao đổi với PV, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, lại cho rằng: "Ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp BĐS không phải cách 'đi đường vòng' hay cách để ngân hàng "lách" trần tín dụng, vì nguồn tiền mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn được tính chung vào cho vay (dư nợ tín dụng) của ngân hàng".

nguyen tri hieu1

TS. Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: The LEADER)

CHIA SẺ

Trái phiếu là một công cụ tài chính rất phổ thông trên thị trường tài chính thế giới. Trái phiếu của những công ty làm ăn tốt sẽ có tính thanh khoản tốt, ngân hàng có thể mua đi bán lại những trái phiếu đó trên thị trường để thu về nguồn vốn khi cần chứ không phải đầu tư dài hạn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các loại trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thì sẽ đảm bảo hơn. Mức độ rủi ro của việc cho công ty BĐS vay tín dụng so với việc mua trái phiếu doanh nghiệp không có gì khác nhau, trong khi tính thanh khoản của trái phiếu lại tốt hơn.

Trả lời cho câu hỏi Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung không?, TS. Hiếu khẳng định là có.

Ông phân tích, nếu một ngân hàng muốn có thêm nguồn tiền để mua trái phiếu doanh nghiệp thì phải huy động vốn nhiều hơn, khi đó lãi suất huy động sẽ bị đẩy cao hơn để hấp dẫn khách hàng.

Do cạnh tranh nên các ngân hàng khác cũng phải chạy theo mức lãi suất này, khi đó mặt bằng lãi suất huy động chung toàn thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Lãi suất huy động cao cũng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên.

Chuyên gia tài chính này cũng thông tin thêm, hiện tại thị trường chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đủ uy tín như Moody's, S&P…

Việc không có đánh giá xếp loại tín nhiệm doanh nghiệp khách quan từ một tổ chức uy tín thứ ba là một thiếu sót rất lớn của hệ thống tài chính Việt Nam. Các ngân hàng trong nước đang phải dựa vào việc tự thẩm định doanh nghiệp của riêng mình.

"Ngân hàng sẽ chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp có khả năng thanh toán, báo cáo tài chính phải chuẩn mực, dòng vốn lưu chuyển trong doanh nghiệp không những có lợi nhuận mà phải có thanh khoản để đến kì phải trả được cả gốc và lãi cho trái chủ (ngân hàng). Có những doanh báo cáo tài chính không chuẩn mực, nhưng các ngân hàng vẫn buộc phải chấp nhận rủi ro đó", ông Hiếu nói.

Hiếu Quân