|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP Việt Nam 2018 có thể đạt 6,83%

11:05 | 08/08/2018
Chia sẻ
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội - Quốc gia dự báo tăng trưởng GDP 2018 đạt 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và qúy IV đạt 6,56%.
tang truong gdp viet nam 2018 co the dat 683 VEPR: Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,8%

Tại "Tọa đàm khoa học dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc", Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội - Quốc gia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và qúy IV đạt 6,56%.

tang truong gdp viet nam 2018 co the dat 683
Tọa đàm khoa học dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Đức Quỳnh

Quý I, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây là 7,45% với sự đóng góp lớn của Samsung và Fomosa. Tuy nhiên đến quý II, tốc độ tăng trưởng chững lại ở mức 6,79%.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội - Quốc gia cũng dự báo lạm phát bình quân trong năm 2018 dao động trong khoảng 4 - 4,2%.

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội - Quốc gia nhận định trong 6 tháng cuối năm 2018 còn nhiều thách thức trong đó có sực ép từ việc tăng giá của đồng USD với triển vọng Fed có thể tăng lãi suất thêm 2 lần từ nay đến cuối năm.

Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và biến động giá giá hàng hóa cơ bản, năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

TS. Đặng Đức Anh cho rằng mặc dù tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nhưng tác động gián tiếp lại khá rõ rệt. Chẳng hạn, tác động của đồng USD tăng giá khiến tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng; minh chứng rõ nhất là trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán bán ròng khá nhiều.

Trong nước, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lạm phát ngày càng lớn do yếu tố bên ngoài không còn thuận lợi như trước. Trong năm 2018, lạm phát có xu hướng tăng lên do giá dịch vụ công, giá lương thực, giao thông... tăng. TS. Đặng Đức Anh cho hay trong cuộc họp thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh việc kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp như không tăng giá điện, không thăng thuế VAT, thuế môi trường..

“Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát nhưng song đang chịu áp lực lớn. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu”, TS. Đặng Đức Anh nhận định.

Cuối cùng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung, đầu tư FDI đang có dấu hiệu giảm sút. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhận định rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại, chính sách cải cách thuế tại Mỹ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của công ty đa quốc gia nước nay trên toàn cầu.

Cuối năm 2017, Mỹ đã thông qua luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%. Điều này khiến các công ty Mỹ tại các nước trong đó có Việt Nam xem xét lại chiến lược đầu tư. Họ có thể chuyển hướng đầu tư về chính quốc gia của mình để hưởng thuế suất ưu đãi.

Ngoài ra, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng giảm thuế ở một số nước khác hoặc ưu đãi nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại, từ đó làm sức cạnh tranh môi trường đâu tư của Việt Nam bị giảm tương đối.

Xem thêm

Đức Quỳnh