Tài xế Go-Viet không dám nhận cuốc ngắn vì sợ khóa tài khoản
Go-Viet cử người ra lề đường tiếp nhận tài xế Grab đăng ký tại Hà Nội |
Không nhân giá trong khoảng thời gian cao điểm là vấn đề khiến nhiều tài xế Go-Viet cảm thấy bất cập trong thời gian qua.
"Vào khoảng thời gian cao điểm, nạn tắc đường diễn ra khắp nơi, nhưng giá cước không tăng. Vì thế, tôi thường tắt app của Go-Viet để chạy cho Grab, bắt khách ngoài hoặc nghỉ vì hiệu suất làm việc không cao", Lực - một tài xế ở khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội - kể.
Vì số lượng tài xế Go-Viet chưa lớn nên độ phủ của app chưa cao. Vì thế, nếu các đối tác nhận chuyến tới khu vực xa trung tâm thành phố, họ phải quay về khu vực trung tâm để có cơ hội "nổ" cuốc mới.
"Di chuyển như thế vừa tốn xăng, vừa tốn thời gian của đối tác, nhưng hiệu quả cực thấp. Mỗi khi chở khách tới khu vực xa trung tâm thành phố, trên đường về tôi chỉ mong gặp khách ngoài để đỡ phí công chạy xe", Tiến, một tài xế ở khu vực Bạch Mai, Hà Nội, bình luận.
Độ phủ tài xế của Go-Viet chưa lớn nên phần lớn đối tác khó "nổ" cuốc ở những khu vực xa trung tâm thành phố Hà Nội. |
Với một tài khoản, hành khách có thể gọi 3 tài xế nên nhiều đối tác vượt qua quãng đường dài để đón khách, để rồi thấy khách ngồi trên xe của tài xế khác.
"Hầu như ngày nào tôi cũng gặp trường hợp này. Ai tới chậm hơn sẽ phí công. Nếu cả ba tài xế đến cùng lúc thì cả khách và tài xế đều khó xử", Kiên, một tài xế Go-Viet ở quận Thanh Xuân, nhận xét.
Chính sách khuyến mãi 10 nghìn đồng cho cuốc dưới 6 km cũng dẫn tới nhiều tình huống éo le. Với những cuốc như thế, tài xế hưởng 25 nghìn đồng nhờ sự hỗ trợ tài chính của Go-Viet. Nhưng vấn đề là quãng đường đón khách thường khá xa (có thể lên tới 4-5 km trong nhiều trường hợp).
"Giả sử khách đặt một cuốc có chiều dài 5,5 km và tài xế di chuyển 4 km để đón. Sau đó khách nhờ tài xế đi thêm 500 m vào ngõ. Như thế, tổng quãng đường mà tài xế di chuyển lên tới 10 km, trong khi mức thu nhập là 25 nghìn đồng. Nếu tính chi li như thế, tài xế cảm thấy họ đang nhận mức thù lao rẻ mạt", một tài xế tên Hoàn bình luận.
Hoàn còn lo rằng nếu sau này Go-Viet bỏ chính sách hỗ trợ giá cước tối thiểu 25 nghìn đồng và chiết khấu thu nhập của tài xế, tình cảnh của anh sẽ trở nên khó khăn hơn.
Những lời thổ lộ của đối tác Go-Viet về nguy cơ công ty khóa tài khoản nếu nhận cuốc ngắn. |
Song khóa tài khoản vì nhận cuốc quá ngắn mới là hiện tượng khiến các tài xế sợ nhất, vì nó chấm dứt ngay lập tức cơ hội mưu sinh của họ.
"Hôm nọ tôi từ phố cổ phóng đi đón khách từ số nhà 127 Hào Nam tới địa chỉ 360 Đê La Thành. Nhưng không hiểu sao app lại báo đây là cuốc trong khu vực Ô Chợ Dừa. Sau đó công ty khóa tài khoản. Tôi gửi thư tới công ty để giải thích, nhưng họ không trả lời. Tôi gọi điện tới tổng đài, họ hứa sẽ hỗ trợ nhưng tới giờ họ vẫn im lặng", một đối tác chia sẻ trên nhóm của tài xế Go-Viet.
Nhiều tài xế khác bình luận hiện tượng tương tự bên dưới bài viết này. "Cuốc nào dưới 1 km tôi không dám nhận, vì sợ bị khóa tài khoản", một người thừa nhận. Một người khác cảnh báo rằng tài xế nhận cuốc cùng tuyến phố cũng có thể gặp họa. Thậm chí hai địa điểm khác phố, chỉ cùng phường nhưng nếu app lỗi thì công ty vẫn khóa tài khoản.
Hoàng, một đối tác Go-Viet ở quận Đống Đa, giải thích rằng có lẽ công ty khóa tài khoản những người nhận cuốc ngắn vì nghi họ tạo cuốc ảo để trục lợi.
"Go-Viet có chính sách hỗ trợ tài xế nhận cuốc dưới 6 km. Với những cuốc đó, tài xế vẫn nhận 25 nghìn đồng dù khách trả 10 nghìn đồng (trước đây khách chỉ phải trả 1 nghìn đồng). Vì thế, nhiều tài xế nhờ khách hoặc đồng nghiệp tạo cuốc ảo nhằm trục lợi", Hoàng nói.
Song trên thực tế, nhiều cuốc ngắn đã phát sinh. Theo Hoàng, việc công ty khóa tài khoản của những đối tác nhận cuốc ngắn sẽ khiến tâm lý của tài xế bất an, thậm chí bức xúc.
"Bên cạnh đó, đôi khi ứng dụng của Go-Viet định vị sai, khiến hai vị trí trong một phường trở thành hai vị trí cùng tuyến phố, khiến đối tác bị phạt oan", Hoàng bình luận. Anh nói thêm rằng việc định vị sai của ứng dụng cũng khiến nhiều tài xế phải vượt đoạn đường dài để đón khách.
Xem thêm |