Tài sản nước ngoài ròng (Net Foreign Assets - NFA) là gì? Đặc điểm của NFA
Hình minh họa. Nguồn: Twitter.com
Tài sản nước ngoài ròng
Khái niệm
Tài sản nước ngoài ròng trong tiếng Anh là Net Foreign Assets, viết tắt là NFA.
Tài sản nước ngoài ròng (NFA) là giá trị sau khi lấy giá trị tài sản ở nước ngoài thuộc sở hữu của một quốc gia trừ đi giá trị tài sản trong nước thuộc sở hữu của người nước ngoài, được điều chỉnh theo các thay đổi trong định giá và tỷ giá hối đoái.
Ngân hàng Thế giới định nghĩa tài sản nước ngoài ròng (NFA) là tổng tài sản nước ngoài được nắm giữ bởi các cơ quan tiền tệ và các ngân hàng nhận tiền gửi trừ đi các khoản nợ nước ngoài của một quốc gia.
Đặc điểm Tài sản nước ngoài ròng (NFA)
Vị thế tài sản nước ngoài ròng (NFA) cũng được gọi là giá trị tích lũy các biến động trong tài khoản vãng lai, cán cân thương mại, thu nhập ròng theo thời gian và chuyển nhượng ròng theo thời gian của một quốc gia.
Nếu một chủ thể đi vay 500USD và đã cho vay 1.500USD thì chủ thể này là một chủ thể cho vay ròng với giá trị 1.000USD.
Nếu một quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai là 10 tỉ USD, thì quốc gia đó phải vay số tiền đó từ các nguồn nước ngoài để bù đắp khoản thiếu hụt. Việc vay 10 tỉ USD khiến cho nghĩa vụ nợ nước ngoài tăng lên và giảm vị thế tài sản nước ngoài ròng của quốc gia này bằng với khoản vay đó.
Vị thế tài sản nước ngoài ròng cho biết quốc gia là quốc gia cho vay ròng hay quốc gia đi vay ròng so với phần còn lại của thế giới.
- NFA dương cho biết quốc gia là quốc gia cho vay ròng.
- NFA âm cho biết quốc gia là quốc gia đi vay ròng.
Tác động của định giá và tỷ giá lên tài sản nước ngoài ròng
Ngoài thay đổi tích lũy trong tài khoản vãng lai, các quốc gia cũng cần tính đến các thay đổi trong định giá và tỷ giá hối đoái để có được bức tranh rõ ràng hơn về NFA.
Ví dụ các chính phủ nước ngoài nắm giữ hàng nghìn tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu lãi suất tăng khiến cho giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, giá trị tổng thể trong việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của các quốc gia này cũng giảm xuống, và do đó tài sản nước ngoài ròng của họ cũng giảm.
Biến động tỷ giá cũng có ảnh hưởng lớn đến NFA. Tiền tệ của một quốc gia tăng giá so với tiền các quốc gia khác sẽ làm giảm giá trị của cả tài sản có và nợ bằng ngoại tệ của quốc gia có tiền tăng giá.
Ngược lại khi giá tiền tệ của một quốc gia giảm, giá trị của các tài sản có và nợ nước ngoài này sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu một quốc gia là quốc gia đi vay ròng, việc giá tiền tệ giảm sẽ làm tăng gánh nặng nợ ngoại tệ.
NFA cũng có thể gây ra các thay đổi trong tỷ giá hối đoái do một quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai trong thời gian dài có nền kinh tế không bền vững theo thời gian.
Đồng tiền của các quốc gia có NFA âm và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng lớn có thể bị lợi dụng bởi các nhà đầu cơ tiền tệ, những người thường tìm cách đẩy gia tiền tệ xuống thấp hơn nhằm mục đích đầu cơ.
(Theo Investopedia)