Sữa Quốc tế (IDP) lãi hơn nửa nghìn tỷ năm 2020
CTCP Sữa Quốc tế (Mã: IDP) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ năm 2019.
Quý IV/2020, IDP đạt 1.008 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2019.
Lợi nhuận gộp tăng hai lần trong khi chi phí chiếm tỷ trọng lớn là chi phí bán hàng lại giảm giúp công ty ghi nhận lãi đột biến gấp 9,8 lần lên 196 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2020, IDP đạt 3.836 tỷ đồng doanh thu thuần, 505 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 106% và 347% so với năm 2019.
Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Như vậy, IDP gần hoàn thành kế hoạch doanh thu còn chỉ tiêu lợi nhuận đã vượt mục tiêu đề ra.
Trước đó, IDP liên tục thua lỗ, cho tới năm 2019 lợi nhuận của IDP bắt đầu dương trở lại, đạt 113 tỷ đồng.
Không chỉ có lãi trở lại từ 2019 mà năm 2020, lợi nhuận của IDP còn tăng đột biến giúp khoản lỗ luỹ kế của công ty tại cuối năm thu hẹp còn hơn 74 tỷ đồng.
So với một ông lớn cùng ngành khác là CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) thì lợi nhuận của IDP cao hơn gần 1,7 lần con số lãi 298 tỷ đồng của Mộc Châu Milk.
Biên lợi nhuận gộp cả năm 2020 của IDP là 41%, cao hơn nhiều so với con số hơn 31% của Mộc Châu Milk.
Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của IDP đạt 2.155 tỷ đồng, tăng 86% so với con số đầu năm.
Tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của IDP âm gần 41 tỷ đồng nhưng nhờ khoản lãi hơn nửa nghìn tỷ của năm 2020 và khoản thặng dư vốn cổ phần 275 tỷ đồng giúp vốn chủ sở hữu của công ty hết năm 2020 đạt gần 796 tỷ đồng.
Tổng nợ đi vay của IDP tại ngày 31/12/2020 là 477 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm và đa số là nợ ngắn hạn.
Cổ phiếu IDP chính thức giao dịch UPCoM vào ngày 7/1 với mức giá tham chiếu 50.000 đồng/cp.
Kể từ khi giao dịch UPCoM đến nay cổ phiếu IDP gần như không có giao dịch và đạt 70.000 đồng/cp kết phiên 21/1 sau khi một phiên trần với thanh khoản chỉ 100 đơn vị.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu IDP không có giao dịch do cơ cấu cổ đông cô đặc khi 60,56% vốn nằm trong tay CTCP Blue Point, CTCP Chứng khoán Bản Việt chiếm 15% vốn còn CTCP Lothamilk nắm 10,18% vốn tại đây. Ngoài ra, 117 nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 12,77% vốn điều lệ, trong đó cổ đông Đặng Phạm Minh Loan nắm giữ 5%.