Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 9/3 - 13/3: Dịch COVID-19 chi phối cuộc họp chính sách của ECB lẫn số liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc
Theo tổng hợp trên Investing.com, trong tuần này, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi mà các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu đang cố gắng đối phó với rủi ro kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra.
Dự kiến nhóm họp vào ngày 12/3, ECB sẽ có ít dư địa để hành động hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tuy nhiên thị trường ngoại hối vẫn kì vọng ECB sẽ hạ lãi suất.
Ngoài ra, chính phủ Anh cũng sẽ công bố kế hoạch chi tiêu ngân sách mới vào ngày 11/3, trong đó dự kiến sẽ bao gồm các biện pháp đối phó với dịch COVID-19.
Đồng thời, dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khu vực Eurozone sẽ cho nhà đầu tư cái nhìn toàn diện hơn về tác động kinh tế của dịch bệnh.
1. ECB họp chính sách
Cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 12/3 sẽ là một phép thử cho Chủ tịch Christine Lagarde. ECB cần phải cân bằng giữa thể hiện khả năng hành động trước dịch bệnh và ý thức rằng hỗ trợ kinh tế cần chi tiêu ngân sách mạnh tay thay vì kích thích tiền tệ.
Một số nhà hoạch định chính sách của ECB đã cảnh báo rằng dù hạ lãi suất thêm thì tác động của một động thái như vậy cũng rất hạn chế.
"Chúng tôi nhận thấy ECB có thể kết hợp hạ lãi suất nhẹ tay 10 điểm cơ bản, điều chỉnh các tài sản đảm bảo, tái cấp vốn dài hạn và tăng ngân sách cho Chương tình Mua hàng Khu vực Doanh nghiệp (CSPP)", nhóm nhà phân tích tại ING cho hay.
2. Chính phủ Anh công bố gói chi tiêu ngân sách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Rishi Sunak sẽ trình bày gói chi tiêu ngân sách đầu tiên dưới cương vị mới vào ngày 11/3.
Ông được kì vọng sẽ công bố gói kích thích nhắm vào các khu vực nghèo khó hơn của nước Anh, tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát có thể khiến ông hết lựa chọn ngoài thúc đẩy chi tiêu công nhiều hơn.
Dự đoán nêu trên càng có khả năng xảy ra hơn khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey từng đề xuất một phản ứng phối hợp giữa chính phủ và BoE sẽ giúp các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cải thiện tình hình kinh doanh.
Ngoài ra, ông Baily cũng cho hay ông muốn nhìn thấy bằng chứng về tác động của dịch COVID-19 trước khi cân nhắc giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 26/3 tới.
3. Fed im ắng, chính phủ Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế
Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ bước vào giai đoạn im ắng vốn đã quen thuộc của họ trước cuộc họp chính sách sắp tới.
Ở thời điểm này, họ từ chối đưa ra nhận định chính sách dưới mọi hình thức vì nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi tín hiệu về quyết định lãi suất tuần sau nên bất kì thông tin nào cũng có thể khiến thị trường xáo động.
Lo ngại về dịch COVID-19 làm tăng thêm kì vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất mạnh tay hơn sau khi giảm khẩn cấp 50 điểm cơ bản hồi tuần trước.
Trên mặt trận dữ liệu, nhà đầu tư sẽ chú ý đến chỉ số tâm lí người tiêu dùng sơ bộ cho tháng 3 của Đại học Michigan (công bố ngày 13/3).
Các chuyên gia nhìn chung dự đoán chỉ số này sẽ giảm đáng kể do thị trường chứng khoán lao dốc nghiêm trọng và tin tức tiêu cực về dịch COVID-19 khiến nhiều người lo lắng hoạt động kinh tế sẽ đi xuống trong vài tháng tới.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố số liệu về số hồ sơ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp, lạm phát và thương mại.
4. Trung Quốc công bố số liệu lạm phát
Dữ liệu mà chính quyền Bắc Kinh công bố hôm 6/3 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong hai tháng đầu năm, đồng thời kim ngạch nhập khẩu cũng giảm theo do lo ngại về tác động kinh tế của dịch COVID-19.
Số liệu lạm phát, dự kiến công bố ngày 10/3, nhiều khả năng cho thấy tình trạng gián đoạn nguồn cung đã khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) thu hẹp vào tháng 2.