|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/7 - 10/7: Dịch COVID-19 ở Mỹ sẽ tiếp tục là mối lo ngại của nhà đầu tư

06:58 | 06/07/2020
Chia sẻ
Số ca nhiễm mới tăng đột biến ở nhiều bang của nước Mỹ, buộc chính quyền địa phương phải hoãn hoặc thay đổi kế hoạch mở cửa trở lại, sẽ tiếp tục là mối lo lớn của nhà đầu tư trong nửa cuối năm 2020.
Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 6/7 - 10/7: Diễn biến đại dịch COVID-19 ở Mỹ giữ vai trò chủ đạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Investing.com

Theo tổng hợp từ Investing.com, ngoài tình hình dịch bệnh ở Mỹ thì lịch kinh tế Mỹ tuần này sẽ tương đối im ắng do không có nhiều dữ liệu mới đáng chú ý ngoài báo cáo việc làm sơ bộ hàng tuần (công bố vào ngày 9/7).

Tại châu Âu, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục nhóm họp để bàn về thỏa thuận chuyển tiếp hậu Brexit. Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính EU cũng sẽ tập trung để thảo luận về quĩ phục hồi kinh tế chung trước thềm một hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào giữa cuối tháng 7 này.

1. Diễn biến đại dịch đáng lo ngại ở Mỹ

Florida và Texas - hai điểm nóng về đại dịch COVID-19 mới của Mỹ, đều báo cáo số ca nhiễm mới cao kỉ lục vào ngày 4/7. Cụ thể, hai bang này ghi nhận tổng cộng đến gần 20.000 ca dương tính mới chỉ trong ngày 4/7.

Mức tăng gần đây trong số ca nhiễm mới, mà rõ rệt nhất là ở các bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ (tức các khu vực áp lệnh phong tỏa cuối cùng và dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên), đều gây báo động đến các quan chức y tế cộng đồng Mỹ.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định, quĩ đạo của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến nhà đầu tư bất an nhất. Hiện tại, hơn 40% bang tại Mỹ đã hoãn kế hoạch mở cửa trở lại và nhiều khả năng tình trạng này sẽ gây thêm áp lực cho thị trường việc làm thời gian tới.

2. Mặt trận dữ liệu kinh tế vắng lặng

Vào ngày 6/7, Viện Quản lí Cung ứng (ISM) sẽ công bố chỉ số PMI phi sản xuất của Mỹ. Các nhà kinh tế dự báo chỉ số này nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khu vực dương, tức trên 50 điểm.

Trong khi đó, công ty phân tích dữ liệu IHS Markit sẽ công bố dữ liệu về hoạt động kinh doanh của nền kinh tế Mỹ.

Đáng chú ý nhất sẽ là số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ (công bố ngày 9/7). Nhà đầu tư sẽ quan tâm đến số liệu này nhất nhằm mục đích nắm bắt sức khỏe của thị trường lao động Mỹ. Vào ngày 10/7, Mỹ sẽ công bố thêm chỉ số giá sản xuất (PPI).

3. Loạt thách thức lớn dành cho EU

Đức vừa tiếp quản vị trí chủ tịch luân phiên kéo dài 6 tháng của EU, ngay giữa lúc khối kinh tế chung phải đối mặt với cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.

Theo Investing.com, các nhà lãnh đạo EU cần phải đồng ý về gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỉ euro, ra mắt quĩ phục hồi cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm rõ mối quan hệ với Anh hậu Brexit. Đây là các thách thức mà EU phải xử lí trong thời gian tới.

Vào ngày 9/7, các bộ trưởng tài chính EU sẽ nhóm họp để thảo luận về các vấn đề vướng mắt của khối kinh tế chung. Đây là sự kiện quan trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 17 và 18/7, đóng vai trò quyết định trong việc liệu quĩ phục hồi kinh tế chung có được thông qua hay không.

Đức đang muốn sử dụng thời gian làm chủ tịch luân phiên của EU để giúp khối kinh tế này vững mạnh trở lại, do đó một quĩ phục hồi chung là rất cần thiết. Nhà đầu tư ngoại hối đang hi vọng các nước châu Âu sẽ đoàn kết và thông qua kế hoạch trên.

Kể từ tháng 3 đến nay, đồng euro đã tăng hơn 5%, tuy nhiên tâm lí lạc quan trên thị trường ngoại hối về đồng euro có thể suy yếu dần nếu các bên bất đồng quan điểm với nhau.

4. Đàm phán Brexit

Vòng đàm phán Brexit tuần trước đã kết thúc với những bất đồng "nghiêm trọng" giữa Anh và EU. Nhà đàm phán trưởng của EU, ông Michel Barnier, đã phàn nàn về thái độ thiếu tôn trọng và không cam kết của chính phủ Anh.

Hai bên dự định sẽ tiếp tục một vòng đàm phán mới trong tuần này tại London nhưng giới quan sát nhận định Anh và EU khó có thể đạt được trái ngọt.

Anh sẽ rời khỏi khối giao dịch thương mại lớn nhất thế giới vào ngày 31/1/2021 nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào để định hình quan hệ thương mại song phương với EU khi hạn chót này không còn bao lâu nữa sẽ đến.

Khả Nhân