|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 13/4 - 17/4: Không khí ảm đảm bao quanh dự báo tăng trưởng của IMF, dữ liệu kinh tế của Mỹ và thỏa thuận của OPEC+

06:29 | 13/04/2020
Chia sẻ
Ảm đảm là tính từ có thể miêu tả loạt sự kiện ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối tuần này, trải dài từ dự báo kinh tế thế giới của IMF, số liệu thất nghiệp, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Mỹ đến thỏa thuận của OPEC+. Ngoài ra, các quan chức Fed sẽ có bài phát biểu trong tuần này.

Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi dự báo kinh tế toàn cầu phiên bản cập nhật của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo tổng hợp từ Investing.com, nhiều khả năng IMF sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 là quá lớn.

Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ đã trở thành chỉ số kinh tế quan trọng cần theo dõi và sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý trong tuần này. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tháng 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ cho thấy mức giảm chưa từng có.

Ngoài ra, một loạt quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện bài phát biểu quan trọng trong tuần và thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô kỉ lục của OPEC+ vẫn đang "lung lay trước gió". Nhà đầu tư chắc chắn cũng sẽ không bỏ qua hai sự kiện trên.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 13/4 - 17/4: Không khí ảm đảm bao quanh dự báo tăng trưởng của IMF, dữ liệu kinh tế của Mỹ và thỏa thuận của OPEC+ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam Investment Review

1. Dự báo kinh tế toàn cầu của IMF

Vào ngày 14/4, IMF sẽ công bố dự báo chi tiết về Triển vọng Kinh tế Thế giới sau cuộc họp giữa cơ quan này và World Bank. Theo thông tin của Investing.com, do ảnh hưởng của đại dịch, cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hôm 9/4 đã cảnh báo, đại dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu "giảm mạnh xuống mức âm" trong năm 2020 và chỉ có thể phục hồi phần nào vào năm 2021. Theo bà Georgieva, kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930, đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị để đưa ra trước cuộc họp với World Bank, bà Georgieva cho biết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều có "triển vọng ảm đảm".

"Ai cũng bị tổn hại. Do các biện pháp cần thiết để kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch, nền kinh tế thế giới đang phải chịu một đòn đau khủng khiếp", bà Georgieva nói.

2. Khả năng hàng triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, doanh số bản lẻ và sản lượng công nghiệp lao dốc khủng khiếp

Nhà đầu tư ngoại hối sẽ tiếp tục đến số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ (dự kiến công bố ngày 16/4). Các chuyên gia dự đoán con số lần này có thể tiếp tục ghi nhận ở hàng triệu. Sau ba tuần, tổng số người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 15 triệu.

"Chỉ trong tháng đầu tiên, tác động của đại dịch COVID-19 đã sắp vượt qua ảnh hưởng của cuộc Đại suy thoái", ông Daniel Zhao - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Glassdoor, cho hay.

"Hàng triệu đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã trở thành thực tế mới", ông Zhao nói thêm.

Trong tuần này, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 3 của Mỹ cũng sẽ được công bố, giúp thị trường định lượng được tác động của COVID-19. Doanh số bán lẻ dự kiến sẽ ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong ít nhất ba thập kỉ sau khi nhiều thành phố và tiểu bang trên khắp nước Mỹ đóng cửa phong tỏa.

Sản lượng công nghiệp có thể đánh dấu mức sụt giảm lớn nhất trong kỉ nguyên hậu Thế chiến thứ hai.

3. Quan chức Fed phát biểu

Ông Charles Evans - Chủ tịch Fed khu vực Chicago; ông James Bullard - Chủ tịch Fed khu vực St. Louis; và ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed khu vực Atlanta dự kiến sẽ có bài phát biểu trong tuần này. Nhà đầu tư sẽ nắm bắt cơ hội để lắng nghe xem các nhà hoạch định chính sách có quan điểm như thế nào về đợt suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Fed đã giảm lãi suất xuống mức 0, tung ra các gói mua trái phiếu không giới hạn và giới thiệu một bộ công cụ cho vay khẩn cấp để đối phó với cơn sóng dữ mà đại dịch COVID-19 tạo ra.

Tuần trước, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy các quan chức dự định sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để bảo vệ thị trường tài chính trước khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng trong năm nay và không thể phục hồi vào năm tới.

Vào ngày 15/4, Fed cũng sẽ công bố Beige Book - bản báo cáo của Fed về tình hình kinh tế Mỹ hiện tại cũng như bức tranh toàn cảnh về đà tăng trưởng kinh tế Mỹ dựa trên số liệu của 12 ngân hàng chi nhánh của Fed.

4. OPEC+ chưa đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô

Thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô qui mô lớn của liên minh OPEC+ đang "lung lay trước gió" vì Mexico không đồng ý hạn mức cắt giảm, yêu cầu hạ mức giảm từ 400.000 thùng/ngày xuống 100.000 thùng/ngày.

Mục đích của thỏa thuận là nhằm thúc đẩy giá dầu thô phục hồi từ mức đáy của nhiều thập kỉ. Giá dầu thô đã lao dốc khủng khiếp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc nhiều nền kinh tế phải đóng cửa, hạn chế hoạt động kinh doanh, làm lũng đoạn nhu cầu nhiên liệu và kích thích cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saudi và Nga.

Dù Tổng thống Donald Trump đã đề nghị hỗ trợ Mexico giảm thêm 250.000 thùng/ngày, Tổng thống Mexico Andres Obrador vẫn chưa chấp nhận thỏa hiệp, khiến đàm phán rơi vào bế tắc.

OPEC và các đồng minh (thường gọi là OPEC+) đã "thai nghén" một thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô 10 triệu thùng/ngày (tương đương 10% tổng nguồn cung toàn cầu) tại cuộc họp kéo dài hơn 9 giờ vào ngày 9/4.

Theo thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ, OPEC+ sẽ giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, sau đó giảm xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 trở đi. Bắt đầu từ tháng 1/2021 cho đến ngày 22/4 cùng năm, mức giảm sản lượng sẽ lùi về còn 6 triệu thùng/ngày.

Khả Nhân