|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dù ông Trump chủ động đề nghị giúp đỡ Mexico, thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ vẫn không nhúc nhích

16:07 | 11/04/2020
Chia sẻ
Tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng G20 hôm 10/4, các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đã không thể chốt thỏa thuận giảm sản lượng kỉ lục của OPEC+ khi mà Arab Saudi và Mexico đụng độ bất chấp lời đề nghị giúp đỡ của Tổng thống Trump.
Dù ông Trump chủ động đề nghị giúp đỡ Mexico, thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của OPEC+ vẫn không nhúc nhích - Ảnh 1.

Dù ông Trump chủ động đề nghị giúp đỡ Mexico, thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ vẫn không nhúc nhích. (Ảnh minh họa: Reuters)

OPEC và các đồng minh (thường gọi là OPEC+) đã "thai nghén" một thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô 10 triệu thùng/ngày (tương đương 10% tổng nguồn cung toàn cầu) tại cuộc họp kéo dài hơn 9 giờ vào ngày 9/4.

Reuters dẫn lời OPEC+ cho biết liên minh muốn các nhà sản xuất khác, bao gồm Mỹ và Canada, phải giảm thêm 5% sản lượng.

Tuy nhiên, quá trình chốt thỏa thuận trên gặp phải trở ngại khi Mexico cho biết nước này chỉ có thể cắt giảm khoảng 1/4 hạn mức mà OPEC+ yêu cầu.

Tổng thống Mexico Lopez Obrador thông tin, Mexico được yêu cầu giảm sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày, tương đương 23% sản lượng hiện tại. Sau đó, liên minh OPEC+ đã hạ hạn mức xuống còn 350.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, đất nước Trung Mỹ chỉ có thể chấp nhận hạn mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày.

Các biện pháp kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm nghiêm trọng, đẩy giá dầu thô lao dốc, kéo căng ngân sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ và kìm hãm ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Reuters cho biết các hãng khai thác dầu đá phiến của Mỹ thường rất nhạy cảm với giá dầu thô thấp do chi phí khai thác và vận hành cao.

Trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Lopez Obrador hôm 10/4 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị giúp đỡ Mexico giảm sản lượng. Đây là một lời đề nghị bất thường từ ông Trump - nhà lãnh đạo từ lâu đã lên tiếng chỉ trích liên minh OPEC.

"Khi tôi nói Mexico chỉ có thể giảm 100.000 thùng/ngày và không thể làm gì hơn, ông Trump rất hào phóng mà nói với tôi rằng nước Mỹ sẽ giúp chúng tôi giảm thêm 250.000 thùng/ngày", ông Obrador nói. "Vì vậy, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến ông Trump".

Tại thủ đô Washington, ông Trump chia sẻ Mỹ sẽ "bù vào phần còn thiếu" cho Mexico. Khi được yêu cầu xác nhận con sô 250.000 thùng/ngày, ông Trump nói: "Đúng, chính là con số đó".

Ông chủ Nhà Trắng không nêu rõ liệu sắp tới chính phủ Mỹ có yêu cầu các nhà sản xuất dầu mỏ nội địa giảm sản lượng hay không.

Khác với các quốc gia như Mexico, nơi mà các công ty dầu mỏ do nhà nước kiểm soát cho phép chính phủ ra lệnh giảm sản lượng, doanh nghiệp khai thác dầu mỏ tại Mỹ thường đến từ lĩnh vực tư nhân và việc giảm sản lượng do chính phủ ủy quyền buộc các bên phải cùng phối hợp.

Tổng thống Obrador cho biết chính phía Mỹ đã bắt đầu cuộc trò chuyện: "Tổng thống Trump tự liên lạc với chúng tôi".

Lời đề nghị của ông Trump không thể đá văng vật cản

Tuy nhiên, lời đề nghị của Tổng thống Trump không đủ lực để chốt thỏa thuận của OPEC+.

Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận cho biết Arab Saudi và Mexio không chỉ đụng độ hôm 9/4 mà còn vào ngày 10/4, khi Arab Saudi chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng G20.

Vài giờ sau khi cuộc đàm phán kết thúc, một thông cáo của G20 không đề cập đến việc giảm sản lượng hay mức giảm cụ thể, mà chỉ nhắc đến "các biện pháp cần thiết để đảm bảo tính ổn định của thị trường năng lượng". Hiện chưa rõ thỏa thuận của OPEC+ sẽ được chốt như thế nào.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước sử dụng mọi nguồn lực để giúp giảm nguồn cung dầu thô", Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Dan Brouillette phát biểu tại cuộc họp G20.

Ông Brouillette cho hay Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung thông qua mức giảm tự nhiên trong sản lượng dầu thô do các yếu tố kinh tế. Mặc dù không chính thức giảm sản lượng, chia sẻ của Bộ trưởng Brouillette cho thấy lập trường của một đất nước chưa bao giờ phối hợp hành động cùng OPEC như Mỹ đang thay đổi.

Ông Brouillette cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ có thể giảm 2 - 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020 - giảm mạnh hơn so với dự đoán trước đó.

Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên Điện Kremlin cho hay hành động phối hợp giữa các nước là "không thể tránh khỏi", mặc dù ông thừa nhận luật pháp Mỹ cấm các nhà sản xuất trong nước tham gia bất kì liên minh về giá nào.

Ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc hội đàm vào ngày 10/4, trong đó có bàn về thị trường năng lượng.

Thị trường dầu mỏ kết phiên 10/4 nhưng không thể bật tăng trở lại sau cuộc đàm phán của OPEC+, vì ngay cả khi liên minh giảm sản lượng 15% (một mức kỉ lục chưa từng thấy) thì cũng không thể bù đắp được vấn đề khi nhu cầu đã giảm mạnh 30%.

Theo thỏa thuận đang có nguy cơ đổ vỡ, OPEC+ sẽ giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6, sau đó giảm xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 trở đi. Bắt đầu từ tháng 1/2021 cho đến ngày 22/4 cùng năm, mức giảm sản lượng sẽ lùi về còn 6 triệu thùng/ngày.

Khả Nhân