Sau báo cáo CPI nóng hổi, nhà đầu tư dự đoán khi nào Fed hạ lãi suất trở lại?
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/crawl-20250213074038187-20250213074038194.jpg?width=700)
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).
Theo dự đoán mới của các nhà giao dịch, Fed sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến ít nhất là tháng 9 sau báo cáo lạm phát đáng lo ngại vào ngày 12/2. Thậm chí, có khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay.
Trước đó, thị trường tương lai từng kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện một đợt giảm lãi suất vào tháng 6 và có thể là một đợt khác trước khi kết thúc năm 2025.
Cụ thể, dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group tính đến cuối buổi sáng ngày 12/2 (theo giờ địa phương) cho thấy xác suất Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3 chỉ đạt 2,5%, tháng 5 khoảng 13,2%, tháng 6 là 22,8% và tháng 7 là 41,2%.
Khả năng các quan chức Fed hạ chi phí đi vay vào tháng 9 đạt 55,9%. Tuy nhiên, khả năng vẫn còn lơ lửng cho đến tháng 10, khi dữ liệu giao dịch ngụ ý xác suất khoảng 62,1%.
Xác suất về đợt giảm lãi suất thứ hai vào cuối năm 2025 chỉ ở mức 31,3% và các nhà giao dịch không kỳ vọng thêm đợt giảm nào khác cho đến cuối năm 2026.
Trong một lưu ý, ông Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Comerica, đánh giá: “Fed sẽ coi số liệu lạm phát nóng của tháng 1 như một lời xác nhận rằng áp lực giá đang tiếp tục sục sôi bên bên dưới bề mặt của nền kinh tế”.
“Điều đó sẽ khuyến khích Fed đi chậm lại và thậm chí có thể chấm dứt chiến dịch cắt giảm lãi suất trong năm 2025”, ông cảnh báo.
Niềm tin của các nhà giao dịch lung lay sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và 0,5% so với tháng liền trước. Cả hai đều cao hơn ước tính của giới chuyên gia.
Khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này còn tiêu cực hơn vì lạm phát vẫn đang duy trì ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Chi phí nhà ở tiếp tục là nguyên nhân chủ chốt thúc đẩy lạm phát. Trong tháng đầu năm 2025, khoản mục này đi lên 0,4% so với tháng liền trước và chiếm khoảng 30% tổng mức tăng.
Giá thực phẩm nhích 0,4%, chủ yếu do giá trứng nhảy vọt 15,2%. Giá trứng tăng nóng bắt nguồn từ việc dịch cúm gia cầm buộc nông dân Mỹ phải tiêu huỷ hàng triệu con gà.
Bộ Lao động Mỹ lưu ý đây là mức tăng mạnh nhất của giá trứng kể từ tháng 6/2015 và chiếm hơn 66% tổng mức tăng trong khoản mục giá thực phẩm tại nhà. Trong một năm qua, giá trứng đã tăng 53%.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/12/screenshot-2025-02-12-at-210106-20250212210300175.png?width=700)
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương đã đạt “tiến triển lớn” trong cuộc chiến chống lạm phát.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đến đích. Vì vậy, chúng tôi muốn duy trì chính sách hạn chế ở thời điểm hiện tại”, ông Powell cho hay.
Trong năm 2024, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản. Tại cuộc họp đầu năm 2025, họ nhất trí giữ nguyên lãi suất. Chi phí đi vay liên ngân hàng hiện nằm trong khoảng 4,25 - 4,5%.
Ngoài vấn đề lạm phát nóng, các quan chức Fed cũng đang theo dõi chính sách thương mại của Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy các kế hoạch áp thuế quan mạnh mẽ có nguy cơ kéo giá cả đi lên và làm phức tạp thêm cuộc chiến của Fed.
“Không thể phủ nhận rằng đây là một báo cáo nóng và với cảm giác thuế quan có nguy cơ làm tăng lạm phát, thị trường hiểu Fed sẽ khó biện minh cho các đợt giảm cắt giảm lãi suất trong tương lai gần”, ông James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING, cho hay.