|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lịch họp năm 2025 của Fed: Diễn ra vào những ngày nào và dự kiến bao giờ hạ lãi suất trở lại?

17:03 | 16/01/2025
Chia sẻ
Cuộc họp chính sách đầu tiên của Fed sẽ diễn ra ngay đợt nghỉ Tết Nguyên đán của các nhà đầu tư Việt Nam.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Bankrate/Getty Images).

Trong năm 2024, chỉ số S&P 500 đại diện cho thị trường chứng khoán Mỹ đã thiết lập hơn 50 kỷ lục. Đây là con số mà nhiều thị trường khác hằng ao ước, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh cơn sốt trí tuệ nhân tạo, những đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính là cơn mưa rào tưới mát nhà đầu tư. Niềm hân hoan dâng tràn thị trường khi Fed bắt đầu hạ chi phí đi vay vào tháng 9.

Hiện tại, nhà đầu tư chỉ vừa nhấc vài bước sang năm 2025 nhưng không khí giao dịch đã thay đổi đáng kể. Các chỉ số chứng khoán chính gần đây đều đi xuống và ngay cả những gã khổng lồ từng là trụ cột của thị trường như Nvidia cũng không thể chống đỡ.

Trái phiếu chính phủ bị bán tháo, kéo lợi suất lên cao. Đơn cử, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 đã chạm mức cao nhất kể từ cuối năm 2023 vào ngày 13/1. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm quay trở lại mức 5% sau khi phá vỡ cột mốc này vào cuối tuần trước.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng rơi vào cảnh tương tự. Đồng USD bật tăng so với hầu hết các đồng tiền lớn, thúc đẩy chỉ số USD mấp mé mức cao nhất trong hai năm.

Sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp tháng 12 và báo cáo việc làm mạnh mẽ hồi tuần trước, nhà đầu tư lo lắng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tạm dừng hạ lãi suất. Một số người còn bất an rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất trở lại.

Nói chung, tìm hiểu một chút sẽ thấy Fed có sức ảnh hưởng lớn như thế nào trong hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu. Bởi vậy nên các cuộc họp của Fed luôn là sự kiện mà nhà đầu tư khắp mọi nơi quan tâm.

 

Có tất cả 8 cuộc họp trong năm 2025

Fed được thành lập theo Đạo luật Dữ trữ Liên bang do Tổng thống Woodrow Wilson ký ban hành vào ngày 23/12/1913 để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907.

Công việc chính của các quan chức Fed là thực thi chính sách tiền tệ nhằm hoàn thành “mục tiêu kép” gồm ổn định giá cả và tối đa hoá việc làm.

Hàng năm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) sẽ tổ chức 8 cuộc họp thường kỳ, cách nhau khoảng một tháng rưỡi. Tại đây, các thành viên FOMC sẽ đưa ra quyết định về lãi suất và cung tiền.

Cuộc họp đầu tiên của năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 28 - 29/1 (trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của các nhà đầu tư Việt Nam) và cuộc họp cuối cùng diễn ra vào ngày 9 - 10/12.

Ngay sau mỗi cuộc họp, Chủ tịch Fed sẽ tham gia họp báo để giải thích quyết định chính sách và giải đáp thắc mắc của truyền thông. Khoảng ba tuần sau, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp, nêu chi tiết nội dung mà các quan chức đã thảo luận.

Riêng trong các cuộc họp vào tháng 3, 6, 9 và 12, ngân hàng trung ương này còn công bố thêm dự báo về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát,...

Trong một số trường hợp đặc biệt, Fed có thể tổ chức họp bất thường. Chẳng hạn, vào tháng 3 và 5/2020, các quan chức đã nhất trí hạ lãi suất khẩn cấp về sát mức 0 và bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Đây là một trong các nguyên nhân khiến lạm phát đi lên vào năm 2021.

 

Ai tham gia hoạch định chính sách năm 2025?

Cơ quan hoạch định chính sách FOMC bao gồm 12 thành viên, trong đó có 7 người thuộc Hội đồng Thống đốc, Chủ tịch Fed chi nhánh New York và 4 trong 11 chủ tịch chi nhánh còn lại.

4 thành viên sau cùng sẽ phục vụ nhiệm kỳ một năm trên cơ sở luân phiên. Các ghế luân phiên được chọn từ 4 nhóm ngân hàng khu vực, mỗi nhóm chọn 1 người: Boston, Philadelphia và Richmond; Cleveland và Chicago; Atlanta, St. Louis và Dallas; và Minneapolis, Kansas City và San Francisco.

Các chủ tịch Fed chi nhánh không thuộc FOMC không có quyền bỏ phiếu nhưng có thể tham dự các cuộc họp, tham gia thảo luận luận và đóng góp ý kiến về nền kinh tế và các lựa chọn chính sách.

Fed chi nhánh New York là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tiền tệ do FOMC ban hành, đồng thời đóng vai trò là đại diện của toàn bộ hệ thống Fed trên thị trường tiền tệ.

Fed chi nhánh New York còn là ngân hàng duy nhất của Bộ Tài chính Mỹ, nắm giữ lượng tiền gửi khổng lồ của Bộ Tài chính và cũng là nơi cất giữ kho vàng lớn nhất thế giới. Vì những vai trò quan trọng nói trên, Chủ tịch Fed chi nhánh New York luôn là Phó Chủ tịch FOMC.

 

Trong năm 2025, các quan chức tiếp tục giữ quyền bỏ phiếu trong FOMC là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Jerome Powell, Chủ tịch chi nhánh New York John Williams, Thống đốc Michael Barr, Michelle Bowman, Lisa Cook, Philip Jefferson, Adriana Kugler và Christopher Waller.

Chủ tịch Susan Collins của Fed chi nhánh Boston, Austan Goolsbee của chi nhánh Chicago, Alberto Musalem của chi nhánh St. Louis và Jeff Schmid của chi nhánh Kansas City sẽ gia nhập FOMC.

Trong khi đó, Chủ tịch Tom Barkin của chi nhánh Richmond, Beth Hammack của chi nhánh Cleveland, Raphael Bostic của chi nhánh Atlanta và Mary Daly của San Francisco sẽ rời khỏi FOMC.

Một số thành viên mới có thể khiến FOMC trở nên diều hâu hơn, bởi gần đây hai ông Musalem và Schmid đều tỏ ra thận trọng hơn về lộ trình lãi suất tương lai. Trong khi đó, ông Goolsbee ôn hoà hơn và bà Collins có xu hướng trung lập.

 

Triển vọng lãi suất năm 2025

Tại cuộc họp cuối cùng của năm 2024, FOMC đã hạ chi phí đi vay lần thứ ba liên tiếp và đưa lãi suất chuẩn xuống phạm vi mục tiêu 4,25 - 4,5%. Tính chung cả năm, ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản (bps).

Phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell và một số đồng nghiệp, cùng loạt tài liệu công bố trong và sau cuộc họp, cho thấy Fed sẽ thận trọng hơn trong giai đoạn sau của chu kỳ nới lỏng tiền tệ.

Theo biểu đồ “dot plot” thể hiện kỳ vọng của từng thành viên FOMC, Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất thêm hai lần trong năm 2025, mỗi lần 25 bps - giảm một nửa so với triển vọng hồi tháng 9.

Biên bản cuộc họp tháng 12 còn nhấn mạnh nỗi lo của các quan chức về tác động mà các chính sách nhập cư và thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra đối với bức tranh lạm phát.

 

Trên thực tế, thái độ thận trọng của ngân hàng trung ương này là có cơ sở. Theo các thước đo chính là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), lạm phát vẫn đang cao hơn đáng kể mức mục tiêu 2%.

Bản báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 15/1 xác thực điều đó. Trong tháng 12, CPI toàn phần tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước - tương đương dự báo nhưng lại đi lên so với mức 2,7% của tháng 11.

CPI lõi phát đi tín hiệu tích cực hơn khi tăng 3,2% so với cùng kỳ, giảm nhẹ so với số liệu của tháng 11 và thấp hơn dự báo. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 tháng qua lạm phát lõi đi xuống.

Tuy nhiên, rõ ràng là Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn toàn khống chế áp lực giá. Đó là còn chưa tính đến những tác động từ một thị trường việc làm lành mạnh đến nền kinh tế.

 

Ở khía cạnh này, báo cáo việc làm tháng 12 là một lý do khác khiến giới chức Fed phải băn khoăn. Nền kinh tế Mỹ tạo thêm 256.000 việc làm mới trong tháng cuối năm, vượt trội hẳn so với dự báo và số liệu các tháng trước.

Tỷ lệ thất nghiệp - được dự đoán giữ nguyên quanh mức 4,2% - đã bất ngờ giảm xuống còn 4,1%. Các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và bán lẻ vẫn đi đầu trong việc tạo lập việc làm.

Bản báo cáo đó là bằng chứng chứng tỏ nền kinh tế và thị trường lao động vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ vững chắc ngay cả khi lãi suất cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Bởi vậy nên, dù đã được tiếp thêm niềm tin sau báo cáo CPI, các nhà giao dịch vẫn dự đoán chắc nịch rằng giới chức Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 28 - 29/1.

Theo nhận định của nhiều ông lớn ngân hàng Phố Wall, Fed có thể sẽ dời kế hoạch hạ lãi suất sang nửa cuối năm 2025. Trong đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ giảm trở lại vào tháng 6 và tháng 12, tổng cộng hai lần.

Yên Khê