|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

S&P 500 tiếp tục lên đỉnh

07:16 | 16/02/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều phục hồi trong phiên giao dịch ngày 15/2. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã lần nữa phá đỉnh lịch sử.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 15/2, chỉ số S&P 500 tăng 0,58% và đóng cửa ở mức 5.030 điểm, tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới. Trong năm 2024, chỉ số này đã lập đỉnh mới 11 lần. 

S&P lại ghi nhận kỷ lục mới.

Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,3%, chốt phiên với 15.906 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 349 điểm, tương đương 0,91% và kết thúc ở mức 38.773 điểm. 

 

Dữ liệu mới cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm 0,8% trong tháng 1/2024, mạnh hơn nhiều so với mức giảm 0,3% mà các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo. 

Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng Mỹ trước áp lực của lạm phát và lãi suất cao. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 4,23% sau thông tin trên. 

Cổ phiếu của Tesla và Meta (Facebook) lần lượt tăng 6% và 2%. Cổ phiếu của Wells Fargo tăng 7% sau khi Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) chấm dứt án phạt đối với ngân hàng này. 

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp tục vẽ nên một bức tranh phân hóa về doanh nghiệp Mỹ. Cổ phiếu của Tripadvisor đi lên 9% sau khi công ty này vượt qua các ước tính về doanh thu và lợi nhuận.

Trong khi đó, cổ phiếu của Cisco giảm 2% sau khi hãng bán lẻ tuyên bố sa thải nhân viên và đưa ra triển vọng doanh số yếu kém. Cổ phiếu của Deere cũng giảm 5% do nhà sản xuất máy móc công nghiệp này hạ dự báo lợi nhuận trong năm 2024. 

 

Chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một tuần đầy biến động do báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến. Trong phiên giao dịch ngày 13/2, chỉ số Dow Jones đã ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2023. 

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại  B. Riley Wealth Management, nói với CNBC: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nóng hơn một chút. Thị trường đã phản ứng thái quá và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sử dụng thời gian còn lại của tuần này để bù đắp một phần những điều chỉnh trên". 

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.