Chứng khoán Mirae Asset (VN): VN-Index cần điều chỉnh và tích lũy quanh 1.240 - 1.250 điểm
Kinh tế vĩ mô tập trung vào nội tại
Tại phân tích mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên (so với mục tiêu trước đó là 6,5 - 7%).
Năm 2025, động lực chính cho tăng trưởng GDP kỳ vọng đến từ các động lực tăng trưởng nội tại, bao gồm thúc đẩy đầu tư công (875.000 tỷ đồng, tương đương 36 tỷ USD; tăng 37,7% so với năm trước), thúc đẩy đầu tư tư nhân (96 tỷ USD; tăng 18%), sản xuất công nghiệp (IIP: tăng 9,5%), tiêu dùng (tăng 12%) và khách du lịch (lượng khách quốc tế: tăng 25% - 30,7%).


Về các động lực bên ngoài, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng trưởng vừa phải trong năm nay, nhờ vào nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng các hiệp định thương mại của Việt Nam.
Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán một tuần vào tháng 1 (trong năm 2024, Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng 2).
Do đó, số liệu của tháng 1 - bao gồm tiêu dùng, xuất nhập khẩu và sản xuất công nghiệp - chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Cụ thể, tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ, với du lịch tiếp tục phục hồi và nhu cầu mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán; xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt giảm 4% và 2,6%. Sản xuất công nghiệp chậm lại, với IIP tháng 1 tăng 0,6%.
Lạm phát tháng 1 tăng tốc nhưng vẫn tiếp tục được kiểm soát trong tháng 1 (tăng 3,6% so với cùng kỳ; tháng 12/2024: tăng 2,9%). Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm 2025 lên 4,5−5% (so với mục tiêu trước đó là 4,5%). Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát tốt, mặc dù có nhiều áp lực lạm phát cần theo dõi chặt chẽ trong những tháng tới, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và chính sách thuế quan của Trump.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm 2025 (so với mục tiêu trước đó là 15%), phù hợp với việc điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng GDP lên 8%.
Tính đến ngày 3/2, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19% kể từ đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6% kể từ đầu năm). Tăng trưởng tín dụng năm 2025 kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, trong bối cảnh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và ngành bất động sản khởi sắc hơn nữa.
VN-Index tăng lên vùng 1.300 điểm trong tháng 2, song cần điều chỉnh và tái tích lũy
Đối với thị trường chứng khoán, báo cáo chiến lược của MASVN nêu kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì đà tăng hướng tới các vùng đỉnh gần nhất là 1.280 - 1.300 điểm, được thúc đẩy bởi xung lực đến từ nhóm ngân hàng trong bối cảnh tâm lý giao dịch được củng cố sau ba tuần tăng điểm liên tiếp và ngưỡng hỗ trợ được thiết lập tại 1.220 điểm.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng, cùng với các động lực tăng trưởng hạn chế ở các ngành khác và các tín hiệu đáng lo ngại từ cổ phiếu FPT trong bối cảnh làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ, cho thấy những rủi ro cần phải tiếp tục theo dõi.

Mặc dù định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn sau khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2024, các nhịp điều chỉnh và tái tích lũy trong ngắn hạn dường như là cần thiết để thiết lập các mức cân bằng mới trước khi có những bước tiến bền vững, cho thấy khả năng hình thành ngưỡng hỗ trợ tại 1.240 - 1.250 điểm.
Nhóm phân tích nêu 6 yếu tố rủi ro từ vĩ mô toàn cầu cần theo dõi.
Đầu tiên, xung đột Nga - Ukraine kéo dài tiếp tục làm suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Âu. Thứ hai, dòng vốn chảy mạnh vào thị trường Mỹ, dẫn đến sự rút vốn đáng kể đối với phần còn lại của thế giới.
Thứ ba, chính sách thuế quan mới trong nhiệm kỳ thứ hai của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng sẽ làm gia tăng rủi ro thương chiến lan rộng ra toàn cầu. Thứ tư, hoạt động sản xuất trì trệ trên các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các ngành công nghiệp tại châu Âu và Trung Quốc.
Thứ năm, lạm phát dai dẳng tại thị trường Mỹ và Châu Âu cho thấy lộ trình bình thường hóa lãi suất có thể gặp nhiều biến động. Cuối cùng, quan điểm “diều hâu” của Ngân hàng Nhật Bản cùng khả năng tiếp tục nâng lãi suất mang lại rủi ro về việc đảo chiều hoạt động “carry trade”.