Agriseco gợi ý 6 cổ phiếu tiềm năng tháng 2
Nhóm phân tích dẫn theo FiinGroup cập nhật tính tới ngày 3/2, thị trường hiện đã có khoảng 55% các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, chiếm 95% vốn hóa thị trường chứng khoán. Tổng lợi nhuận của khối các doanh nghiệp đã công bố này tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; duy trì mức tăng ổn định trong 4 quý.
Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 22,3% so với năm 2023, trong đó nhóm phi tài chính tiếp tục dẫn dắt với mức tăng 28,7%, nhóm tài chính phục hồi với mức tăng 17,5%.
Một số ngành như bất động sản, bán lẻ, hàng không, công nghệ thông tin có tăng trưởng mạnh, trong khi dầu khí, hóa chất và một số ngành khác có kết quả kinh doanh kém khả quan.
Agriseco nêu một số cơ hội đầu tư cho danh mục tháng 2 với hai cổ phiếu ngân hàng, còn lại đến từ lĩnh vực chứng khoán, xây dựng, thủy sản, vật liệu xây dựng.
Đầu tiên là VietinBank (Mã: CTG). Nhóm phân tích nhận thấy lãi trước thuế đạt 12.245 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước nhờ thu nhập lãi thuần tăng 12% và chi phí dự phòng giảm 45%. Lãi trước thuế cả năm 2024 đạt 31.758 tỷ đồng, tăng 27% so với 2023 chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động tăng 16%.
Chất lượng tài sản năm 2025 kỳ vọng được cải thiện với tỷ lệ NPL thấp. VietinBank có tỷ lệ nợ xấu (NPL) tính đến thời điểm 31/12/2024 là 1,24% và đây là một trong những ngân hàng có tỷ lệ LLR cao nhất hệ thống, đạt 170,7%.
Agriseco kỳ vọng tỷ lệ NPL năm 2025 giảm về mức 1% nhờ nền kinh tế ấm dần lên cùng với sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản, và tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ năm 2024 đã giảm so với năm 2023 giúp giảm bớt áp lực tăng nợ xấu trong năm 2025.
Tiềm năng tăng trưởng tín dụng trên 16% năm 2025, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ. Tỷ trọng cho vay bán lẻ ước đạt 40% năm 2025 nhờ tập trung cho vay khách hàng cá nhân và hộ gia đình phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tỷ lệ NIM năm 2025 được dự báo cải thiện trên 2,9% nhờ chi phí vốn thấp trong khi lãi suất đầu ra không còn dư địa giảm nhiều. Ước tính thu nhập lãi thuần của VietinBank năm 2025 tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước và lãi trước thuế tăng trưởng khoảng 10 - 15% so với năm 2024.
Một ngân hàng cũng được khuyến nghị cho danh mục tháng 2 là MB (Mã: MBB). Tương tự VietinBank, MB cũng tăng trưởng kết quả kinh doanh quý IV/2024 và năm 2024. Lãi trước thuế quý IV/2024 đạt 8.093 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ nhờ thu nhập lãi thuần tăng 22% và thu nhập ngoài lãi phục hồi tốt, tăng 110%.
Năm 2024, lãi trước thuế đạt 28.829 tỷ đồng, tăng 10%. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) năm 2024 giảm xuống 30,7%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân ngành 40%. Chất lượng tài sản được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu cuối ngày 31/12/2024 là 1,6%.
MB là một trong những ngân hàng có biên NIM cao trong hệ thống, đạt 4% năm 2024. Agriseco đánh giá bước sang năm 2025, tỷ lệ NIM của MB kỳ vọng cải thiện lên 4,3-4,5% nhờ tận dụng chi phí vốn thấp và triển vọng tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi được mở rộng hơn.
Tiềm năng tăng lãi trong năm 2025 của MB đến từ thu nhập lãi thuần tiếp đà tăng nhờ quy mô tín dụng còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2025 sau khi nhận chuyển giao Ocean Bank với tận dụng lợi thế của Tập đoàn Viettel, giúp MB đẩy mạnh giải ngân cho các dự án đầu tư công, chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển AI và lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA dẫn đầu ngành.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/06/6-2-agr-1-20250206113232140.png?width=700)
Một đại diện từ ngành chứng khoán là Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM). Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động ghi nhận đạt 4.276 tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2023 và vượt mức kế hoạch đề ra 34,4%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.040 tỷ đồng, tăng 54,2%. Mảng tự doanh và cho vay kỹ quỹ duy trì là động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp.
HSC sở hữu thế mạnh với lượng lớn khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, nhóm phân tích kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ thu hút thêm được dòng tiền từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ đồng trong năm nay.
Đối với Vinaconex (Mã: VCG), lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần đạt 12.873 tỷ đồng, tăng 1,3% so với 2023; lãi sau thuế đạt 1.157 tỷ đồng, gấn gấp 3 lần.
Công ty xây dựng có tiềm năng duy trì tăng trưởng nhờ backlog mảng xây dựng dồi dào. Tính tới cuối năm 2024, giá trị backlog ước tính đạt 25.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn các hợp đồng đã trúng thầu liên quan đến các dự án đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Với khối lượng công việc dồi dào, kỳ vọng Vinaconex duy trì được doanh thu ổn định trong giai đoạn 2025-2026. Việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho VCG mở rộng hoạt động xây dựng nhờ tỷ lệ trúng thầu cao tại các gói thầu xây dựng hạ tầng của Chính phủ.
Ngoài ra, Vinaconex sở hữu danh mục bất động sản đa dạng với tổng quỹ đất khoảng 1.000 ha, kỳ vọng với tín hiệu hồi phục từ thị trường bất động sản nội địa thời gian gần đây, doanh thu từ lĩnh vực bất động sản sẽ cải thiện rõ nét hơn.
Ở lĩnh vực thủy sản, Agriseco cho biết Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) có doanh thu tháng 12/2024 ở mức 1.029 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với tháng trước. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu tăng trưởng gần 25% so với 2023.
Nhóm phân tích cho rằng xu hướng Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa Trung Quốc trong năm 2025 có thể sẽ không thay đổi so với cam kết của Tổng thống Trump. Điều này kỳ vọng tác động tích cực tới ngành cá tra Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.
Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp xuất khẩu cá phi lê Việt Nam duy nhất được gỡ khỏi phạm vi áp dụng thuế bán phá giá của Mỹ, giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trước các công ty trong nước.
Giá thức ăn chăn nuôi cá bình quân tháng 12/2024 đang giảm khoảng 15% so với năm 2023. Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% chi phí nuôi cá nên giá thức ăn giảm thấp kỳ vọng giúp gia tăng biên lợi nhuận của “nữ hoàng cá tra” trong giai đoạn tới.
Một ý tưởng đầu tư khác là Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC – Mã: VLB). Cả năm 2024, BBCC ghi nhận doanh thu đạt 1.304 tỷ đồng, tăng 30% và lãi sau thuế đạt gần 218 tỷ đồng, tăng trưởng 53%.
BBCC không phát sinh các khoản vay trong nhiều năm trở lại đây. Các khoản tiền gửi ngắn hạn đạt 550,5 tỷ đồng, chiếm 79% tài sản ngắn hạn có xu hướng tăng giúp doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 12,6 tỷ đồng trong quý IV/2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp này hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng lớn từ các dự án xây dựng hạ tầng.
Theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu sử dụng đá cho các công trình hạ tầng trọng điểm là 21,5 triệu m3 trong giai đoạn 2023-2025 trong khi nguồn cung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại hạn chế.
BBCC sở hữu các mỏ đá Mỏ Tân Cang 1, Thạnh Phú 1 và Thiện Tân 2 đều nằm tại Đồng Nai, có thời gian khai thác dài và công suất lớn (tổng khoảng 4,8 triệu m3/năm) được kỳ vọng sẽ là nhà cung cấp đá cho các dự án trọng điểm phía Nam.