|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự báo diễn biến VN-Index tháng 2 qua lăng kính các CTCK: Giằng co và tích lũy

14:24 | 11/02/2025
Chia sẻ
Tại báo cáo chiến lược mới đây, bộ phận phân tích của một số công ty chứng khoán nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ tích lũy dưới vùng 1.300 điểm trong tháng 2.

SSI Research nhận định xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn trong giai đoạn tích lũy trong kênh 1.180 - 1.300 điểm. Dù vậy, dòng tiền tiếp tục suy yếu trong các nhịp kiểm định kênh giá nên kỳ vọng bứt phá biên trên của chỉ số chưa cao.

Mặc dù vậy, một số chỉ báo kỹ thuật vẫn trong vùng tích cực, cho thấy trạng thái khả quan. Hiện tại, VN-Index đang trong nhịp thử thách vùng kháng cự 1.275 điểm. Vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.260 điểm kỳ vọng nâng đỡ tốt cho chỉ số.

SSI Research dự báo, trong kịch bản cơ sở (xác suất 60%), vận động của VN-Index trong tháng 2 là tích lũy đi ngang, vùng dao động chủ đạo 1.260 - 1.275 điểm.

Các thách thức thị trường Việt Nam cần phải vượt qua: tốc độ hạ lãi suất chậm lại của Fed, biến động tỷ giá, động lực tiêu dùng trong nước cần thêm thời gian hồi phục và chính sách khó đoán của Tổng thống Trump sẽ gây rủi ro cho tăng trưởng của kênh xuất khẩu.

Định giá P/E ước tính 1 năm của VN-Index đang ở mức 10,3 lần, thấp hơn 20% so với 13 lần của bình quân 5 năm và đang ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Lợi suất trên kênh chứng khoán đang ở mức 9,7%, chênh lệch với lãi suất huy động có xu hướng mở rộng trong tuần đầu tháng 2, ủng hộ cho sự hồi phục của thị trường.

 (Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của SSI Research).

Tại báo cáo chiến lược gần nhất, nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam quý đầu năm sẽ xoay quanh một số câu chuyện.

Đầu tiên là chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian đầu nhận chức. Trong khi Canada, Mexico, Trung Quốc là những cái tên đầu tiên đã được đưa vào mục tiêu áp thuế thì Việt Nam chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong việc áp dụng chính sách thuế quan.

VDSC cho rằng nguyên do là các vấn đề về Việt Nam chỉ nằm gói gọn trong việc “thâm hụt thương mại” mà không ảnh hưởng đến an ninh hay vị thế siêu cường số một của nước Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam với đường lối chính sách đối ngoại trung lập sẽ có thể hưởng lợi trong giai đoạn đầu của chính sách thuế quan.

Những nỗ lực cải cách thị trường kỳ vọng sẽ đạt kết quả mong đợi. Theo đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được đánh giá đủ điều kiện nâng hạng theo FTSE trong kỳ đánh giá tháng 3. Đồng thời những thông tin về việc vận hành hệ thống giao dịch mới (KRX) sẽ tạo thêm điểm nhấn tích cực. ​

Từ nửa cuối quý, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2025 và câu chuyện lợi nhuận quý đầu năm của doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ là màu sắc tích cực của thị trường. Cho quý đầu năm, VDSC ước tính lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trên HOSE có thể đạt mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng có phần giảm tốc khi hiệu ứng nền thấp không còn: nhóm phi tài chính giảm nhẹ do biên lợi nhuận bình thường hóa, trong khi đó nhóm dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng bởi vòng quay tài sản khi thanh khoản thị trường duy trì mức thấp so với cùng kỳ.​

Yếu tố nhà đầu tư cần quan sát là rủi ro căng thẳng leo thang trong thương chiến Mỹ - Trung lần hai. Phản hồi của Trung Quốc đối với kế hoạch áp thuế của Trump rất khác với cách phản ứng của Mexico hay Canada và đang cho thấy quốc gia này đã có sự chuẩn bị.

Do vậy, nếu các cuộc thương lượng sắp tới giữa hai bên không đạt kết quả và dẫn đến căng thẳng leo thang sẽ là rủi ro lớn đối với thị trường toàn cầu khi các kỳ vọng về lạm phát, tăng trưởng cũng như chính sách tiền tệ trên thế giới sẽ lệch về kịch bản tiêu cực.

Thị trường toàn cầu có thể chứng kiến một đợt biến động mạnh như những gì đã diễn ra vào năm 2018 khi Thuế quan được sử dụng, và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. ​

Định giá thị trường vẫn đang hấp dẫn với P/E trailing của VN-Index giảm về 12,4x lần. Kết hợp với triển vọng kinh doanh quý I vẫn giữ được sự tích cực, rủi ro giảm giá được đánh giá ở mức thấp so với triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do vậy, mặc dù trạng thái giằng co vẫn đang hiện diện, VDSC tin rằng vùng điểm dưới ngưỡng 1.250 điểm vẫn đang là vùng thích hợp cho việc tích lũy cổ phiếu.​

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết hiện tại thị trường vẫn đang nhận được hỗ trợ từ: nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt; kỳ vọng nâng hạng thị trường; vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế, GDP.

Tuy nhiên một số yếu tố bất định vẫn duy trì như: nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao, thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao; căng thẳng địa chính trị trên thế giới; diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.

SHS cho rằng, trong tháng 2 chỉ số vẫn tiếp tục duy trì quá trình tích lũy trung hạn trong biên độ hẹp dần trong vùng giá 1.230 - 1.240 điểm đến 1.280 - 1.300 điểm. VN-Index chỉ cải thiện khi vượt lên đường kháng cự trung hạn nối các vùng giá đỉnh cao kéo dài từ tháng 3/2024 đến nay.

Nhà đầu tư nên chú ý các tác động của chính quyền Trump trong thời gian tới có thể gây áp lực tâm lý và tỷ giá cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nghiêng về kịch bản (70% xác suất), VN-Index sẽ tiếp tục duy trì quán tính tăng điểm, tiếp cận vùng kháng cự trung hạn tại quanh 1.315 (+-10) điểm trước khi có thể xuất hiện áp lực rung lắc mạnh.

Trong kịch bản còn lại (30% xác suất) chỉ số có thể gặp rủi ro suy yếu và đảo chiều ngay tại quanh vùng kháng cự gần 1.290 (+-5) điểm, quay xuống vùng hỗ trợ 1.25x điểm trước khi thiết lập trạng thái cân bằng trở lại.

Chứng khoán An Bình (ABS) nêu hai kịch bản cho thị trường tháng 2. Kịch bản đầu tiên, với xác suất cao, ABS dự báo thị trường tiếp tục xu hướng tích cực trong ngắn hạn và chuyển dần sang tăng trung hạn. VN-Index đi lên trong nghi ngờ cho đến khi biểu đồ giá khung tuần xác nhận pha đi lên trung hạn, phá vỡ mốc kháng cự 1.284 - 1.310 điểm với thanh khoản cao.

Trong kịch bản kém tích cực hơn, thị trường chưa thể bứt phá qua kháng cự 1 ở 1.284 – 1.310 điểm để xác nhận đi lên trung hạn mà sẽ tiếp tục vận động tích cực trong các bước sóng tăng ngắn hạn với biên độ giá trung bình.

Dự báo diễn biến VN-Index tháng 2 của một số công ty chứng khoán. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo chiến lược).

Ý tưởng đầu tư cho tháng 2

Bàn về ý tưởng đầu tư, VDSC đánh giá trong ngắn hạn, việc thanh khoản tiếp tục thấp và số dư tiền của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán về vùng thấp trong 6 quý qua, cho thấy việc khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khi dòng tiền chưa ủng hộ. ​

VDSC đề xuất danh mục với tỷ trọng cân bằng như đã đề ra trong báo cáo chiến lược năm có sự kết hợp giữa cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để có thể tận dụng được cơ hội từ: nỗ lực cải cách môi trường chính sách của Chính phủ, mở ra cơ hội nâng hạng thị trường; đầu tư công tăng tốc trong khi đầu tư tư nhân phục hồi; tiêu dùng cải thiện khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi và tăng trưởng.

Đồng thời, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư thực hiện tái cân bằng danh mục định kỳ hàng tháng và thay thế mới khi có cơ hội đầu tư tốt hơn hoặc cổ phiếu đạt kỳ vọng về giá.​

Liên quan tới vấn đề được nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam, TPS đưa ra góc nhìn khá tích cực.

Nhóm phân tích cho rằng nếu duy trì chính sách thương mại linh hoạt, kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ củng cố vị thế là trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

TPS nêu 4 ngành dự báo sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như bất động sản khu công nghiệp, thuỷ sản, logistics và vận tải cùng dệt may. 

Trong báo cáo triển vọng tháng 2, ngoại trừ nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản (do một vài tháng tới là mùa thấp điểm của hoạt động xuất khẩu), KBSV duy trì hầu hết kỳ vọng đối với các chủ đề đầu tư đã đề cập từ báo cáo chiến lược năm (nhu cầu hồi phục, đầu tư công, nâng hạng, làn sóng đầu tư công nghệ). Dư địa tăng trưởng tích cực vẫn còn cho các nhóm cổ phiếu tương ứng.

 

Đối với nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là liên quan tới lĩnh vực AI, mặc dù sự kiện Deepseek đã kích hoạt làn sóng điều chỉnh mang tính định giá lại sự tăng trưởng nóng của các cổ phiếu công nghệ, nhóm phân tích vẫn cho rằng xu hướng phát triển AI vẫn là điều tất yếu trong tương lai.

Theo đó, sự kiện DeepSeek không làm thay đổi quan điểm tích cực về triển vọng của nhóm cổ phiếu công nghệ trong dài hạn, và nhịp điều chỉnh hiện tại sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm, chọn lọc các cổ phiếu phù hợp.

Theo quan điểm của ABS, các ngành chú ý cho nhịp tăng tiếp theo bao gồm các ngành có kết quả kinh doanh năm 2024 tích cực và triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2025 bao gồm: hóa chất - phân bón, cao su, cảng biển, dịch vụ cảng, bất động sản thương mại phía Nam, bán lẻ… Ngoài ra, nhà đầu tư quan sát điểm mua đối với nhóm thực phẩm, vật liệu xây dựng, dầu khí, điện…

Báo cáo khuyến nghị mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định các cơ hội đầu tư trong tháng 2 tập trung vào những cổ phiếu bluechip đầu ngành, có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong nửa đầu năm 2025, trọng tâm vào các ngành có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán và xây dựng.

Xuân Nghĩa

Quyết định của ông Trump tác động ra sao đến triển vọng cổ phiếu thép?
Theo một số nhà phân tích trong nước, thị trường Mỹ chiếm khoảng 13% khối lượng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2024, nên mức thuế mới của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các công ty niêm yết. Trong khi đó, triển vọng với ngành thép năm 2025 vẫn tương đối tích cực.