|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc VPBankS: Chứng khoán khó vượt 1.300 điểm trong nửa đầu năm

09:39 | 11/02/2025
Chia sẻ
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS), đánh giá trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán dễ ảnh hưởng về mặt thông tin, chính sách thuế hay tỷ giá. Những yếu tố này khiến VN-Index khó tăng qua 1.300 điểm.

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” ngày 10/2, ông Trần Hoàng Sơn đã nêu phân tích về triển vọng thị trường và một số nhóm ngành nổi bật.

Theo ông Sơn, kịch bản thị trường rung lắc sẽ xoay quanh ngưỡng 1.275 điểm và tích lũy quanh vùng này trước khi đi lên có xác suất xảy ra 70%.

Trong hai tuần trước, thị trường đã có những phiên rung lắc khi ông Trump tuyên bố đánh thuế vào Canada và Mexico. Nhưng ngay ngày hôm sau, ông lại tuyên bố sẽ hoãn đánh thuế trong một tháng. Sau đó, thị trường đã trở lại tích cực. Những biến động sau dịp Tết Nguyên đán cũng chỉ là rung lắc, còn thị trường đã có ngưỡng hỗ trợ mạnh ở vùng 1.250 - 1.260 điểm.

Sau đợt rung lắc này, khả năng VN-Index vẫn có thể kiểm nghiệm lại những vùng kháng cự cao hơn, chẳng hạn như 1.280 hay gần 1.300 điểm.

Năm 2024 thị trường từng kỳ vọng sẽ vượt 1.300 điểm nhưng rồi lại bị thất vọng. Nhà phân tích nghĩ rằng kịch bản trên vẫn có thể lặp lại trong năm nay. Nửa đầu năm, VN-Index vẫn có thể sẽ chạm, hoặc vượt qua 1.300 điểm trong thời gian ngắn nhưng sau đó dễ điều chỉnh trở lại.

“Nhìn chung, trong nửa đầu năm, thị trường dễ ảnh hưởng về mặt thông tin, chính sách thuế hay những yếu tố liên quan đến tỷ giá. Những yếu tố này khiến VN-Index khó tăng qua 1.300 điểm.

Nhưng đến cuối năm, kể từ sau tháng 8 - 9, khả năng VN-Index vượt 1.300 điểm, lên vùng cao mới là rất sáng. Do vậy, trong nửa đầu năm, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã tạo ra một vùng giá, với đáy dưới là 1.250 điểm và biên trên là 1.285 - 1.305 điểm”, ông Sơn đánh giá.

Với biên độ dao động như vậy, ông khuyến nghị chiến lược trong 6 tháng đầu năm vẫn là giao dịch (trading) trong biên, nghĩa là cổ phiếu chạm nền cao nên chốt lời, và canh mua trở lại trong vùng điều chỉnh.

Về bối cảnh vĩ mô, với mục tiêu tăng trưởng 8%, tín dụng phải ở mức tương đối cao. Để đổi lấy 1% tăng trưởng GDP, Việt Nam phải cần 2% tăng trưởng tín dụng. Do đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%, tín dụng phải tăng ít nhất từ 16 - 18%.

Trong năm Chính phủ cam kết tăng trưởng tín dụng cao, dư địa tăng trưởng cho hầu hết lĩnh vực sẽ tốt. Một số ngành có lợi thế trực tiếp bao gồm ngân hàng.

Với tăng trưởng tín dụng dự phóng như trên, dư địa của ngành ngân hàng sẽ rất mở rộng. Ngoài ra, giai đoạn Việt Nam có tăng trưởng tín dụng cao, thị trường chứng khoán cũng tích cực.

Chẳng hạn như 2006 - 2007, khi tín dụng tăng cao và Việt Nam gia nhập WTO đã tạo ra những con sóng hàng trăm phần trăm. Giai đoạn hậu COVID, kết hợp với xu hướng tiền rẻ trên toàn cầu, thị trường chứng khoán cũng có một năm tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2025, với cam kết tăng trưởng như vậy, có thể Chính phủ sẽ nới lỏng tín dụng, cung tiền, tạo ra một giai đoạn tín dụng dễ dàng hơn, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như sản xuất, tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, giúp nền kinh tế phục hồi vững vàng hơn. Từ đó, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng và thị trường chứng khoán phục hồi rõ nét.

Ông Sơn tin rằng với một năm tăng trưởng tín dụng dễ dàng và được đẩy mạnh, các ngành phục hồi sẽ tạo ra điểm tựa mạnh cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi số liệu tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, bởi dòng tiền vào thị trường bám sát tín dụng. Giai đoạn nào tăng trưởng tín dụng cao, dòng tiền dễ dàng hơn thì thị trường sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

“Xu hướng tăng trưởng mạnh sẽ rơi vào nửa cuối năm, có thể là sau quý II. Giai đoạn tăng tốc tín dụng sau quý II sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các ngành nghề, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Với những yếu tố đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục dẫn sóng trong năm 2025”, chuyên gia VPBankS nhận định.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS. (Ảnh chụp màn hình).

Tại chương trình, ông Sơn đã đưa một số góc nhìn về nhóm ngành thép, ngân hàng, khoáng sản, nông nghiệp.

Tin tức quan trọng với ngành thép mới đây là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump (dự kiến) công bố mức thuế mới khoảng 25% đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Theo ông Sơn, những nguồn nhập khẩu thép lớn vào Mỹ trong giai đoạn vừa qua là Canada, Brazil, Mexico , Hàn Quốc và Việt Nam. Đồng thời, Canada là nhà cung cấp nhôm lớn nhất, chiếm 79% thị phần.

Trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép rồi. Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ đâu đó khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn.

Một số cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng sẽ là HPG, NKG, HSG, GDA. Trong đó, nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất là tôn mạ. Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nhóm tôn mạ sang Mỹ là rất lớn. Ví dụ, Tôn Đông Á (Mã: GDA) xuất khẩu sang Mỹ chiếm chiếm khoảng 35%, Nam Kim (Mã: NKG) chiếm khoảng 25%, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) 15%, riêng Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) dưới 5%.

Nhìn chung, trong giai đoạn nửa đầu năm 2025, những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị đánh thuế, có thể sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.

Với ngành ngân hàng, đầu năm nay, nhiều cổ phiếu đã bứt tốc. CTG, TCB, MBB đang có dấu hiệu tăng rất tốt trong hai tuần trở lại đây, giúp ngành ngân hàng khởi đầu 2025 khá lạc quan.

Theo nhà phân tích, trong kịch bản tăng trưởng tín dụng mạnh như trên, nhiều ngân hàng sẽ bứt tốc tốt trong quý I. Nếu VN-Index chạm lại ngưỡng 1.300 điểm hoặc vượt qua, đây có thể là giai đoạn chốt lời ngắn hạn với cổ phiếu ngân hàng và nhà đầu tư có thể canh mua lại sau.

Ở diễn biến khác, trong giai đoạn vừa rồi, do những yếu tố liên quan đến chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và Trung Quốc đã chủ động hạn chế xuất khẩu những khoáng sản quan trọng, trong đó có vonfram. Khi Trung Quốc đưa ra chính sách này, nhà đầu tư đã trở lại mua cổ phiếu liên quan đến khoáng sản.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng câu chuyện ngắn hạn của nhóm khoáng sản vẫn chỉ là đầu tư theo tin tức. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khoáng sản không quá ấn tượng. Cho nên, câu chuyện hạn chế xuất khẩu chỉ tạm thời là thông tin tích cực, còn về mặt kết quả kinh doanh sẽ chưa thể được phản ánh.

Với nông nghiệp, lĩnh vực  đang hiện hữu những khó khăn, chẳng hạn như yếu tố liên quan đến thời tiết, chính sách thuế của đối tác... Do đó, những cổ phiếu này ít được nhà đầu tư quan tâm.

Trong giai đoạn gần đây, cổ phiếu thủy hải sản đã có tín hiệu chớm phục hồi, chẳng hạn nhóm liên quan đến tôm. Còn lại, những doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay cũng gặp khó khăn ở thị trường chính, khi nhu cầu phục hồi vẫn chưa chắc chắn và nguy cơ ảnh hưởng từ thuế quan.

“Năm 2025, nhóm ngành thủy sản có thể được chú ý, nhưng cần phòng ngừa những rủi ro liên quan đến thuế quan”, ông Sơn lưu ý.

Xuân Nghĩa

Doanh nghiệp chăn nuôi phất cao khi giá heo lập đỉnh, riêng heo ăn chuối của bầu Đức ngậm ngùi báo lỗ
Nhờ chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức thấp, trong khi giá heo hơi biến động đi lên do thiếu nguồn cung nên các công ty như Dabaco, Nông nghiệp BaF,... đã tận dụng được cơ hội để gia tăng đàn, nhờ đó có lợi nhuận cả năm tăng trưởng đột biến so với 2023.