|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Định giá thị trường liên tục giảm, VN-Index giao dịch sẽ giao dịch ra sao trong tháng 2?

11:26 | 11/02/2025
Chia sẻ
TPS nhìn nhận thị trường đang trở nên rẻ hơn đáng kể và chỉ còn thiếu các nền tảng về tâm lý của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thúc đẩy thị trường trở về mức định giá trung bình.

Kịch bản tích cực cho VN-Index trong tháng 2

VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với đầu năm, đánh dấu hai năm liên tiếp tăng điểm (năm 2023 tăng 12,2%).

Tuy nhiên Chứng khoán Tiên Phong (TPS) thông tin chỉ số chứng khoán trong 2 năm không thay đổi quá nhiều và kết quả kinh doanh của toàn thị trường năm 2024 tăng trưởng 22,3%, đồng nghĩa với việc định giá thị trường liên tục giảm.

Tính tới ngày 5/2, PE của thị trường là 12,58 rất gần với mức độ lệch chuẩn 3 năm là 11,96 lần ; đối với PB thị trường đã giảm về 1,63 sát với mức độ lệch chuẩn 3 năm là 1,56.

TPS cho rằng điều này phản ánh việc thị trường đang trở nên rẻ hơn đáng kể và chỉ còn thiếu các nền tảng về tâm lý của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thúc đẩy thị trường trở về mức trung bình.

 Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của TPS. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua chỉ số VN-index cho thấy sự ổn định trong trung và dài hạn dù chịu các áp lực trong ngắn hạn như biến động chính trị thương mại kèm theo đó là xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) với giá trị bán ròng lũy kế cả năm 2024 là hơn 90.000 tỷ đồng.

Kể từ 2024 đến nay chỉ số VN-Index dao động trong khoảng từ 1.165 điểm đến 1.305 điểm, trong đó các mức hỗ trợ dài hạn được nâng cao dần qua thời gian lần lượt ở các mức 1.165,99 điểm, 1.184,53 điểm, 1.197,99 điểm lần lượt vào các tháng 4/2024, tháng 8/2024 và tháng 11/2024, cho thấy dòng tiền thông minh trên thị trường vẫn đặt niềm tin vào thị trường khi xuất hiện các mức định giá hợp lý để giải ngân.

Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay giá trị giao dịch trung bình đạt 11.730 tỷ đồng, thấp hơn 29,2% so với cả năm 2024.

Công ty chứng khoán này nhìn nhận trong ngắn hạn, các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ của VN-index có sự thu hẹp dần theo mô hình tam giác cân, hàm ý thị trường có thể sắp đi đến sự thay đổi tính chất chuyển động từ sideway sang trạng thái có xu hướng rõ ràng hơn trong 2025.

TPS đưa ra ba kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 2. Trong đó, kịch bản tích cực có xác suất lên tới 50% với dự báo VN-Index dao động khoảng 1.370 - 1.380 điểm.

Chuyên gia phân tích TPS cho rằng nếu thị trường phá vỡ kháng cự tại vùng 1.275 - 1.280, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường thoát khỏi vùng sideway để hình thành xu hướng tăng trung hạn với mục tiêu ở vùng 1.370 – 1.380 điểm.

 Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của TPS. 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có được hưởng lợi?

Liên quan tới vấn đề được nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam, TPS đưa ra góc nhìn khá tích cực.

Thứ nhất, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia và cả các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm các nước sản xuất thay thế để tránh thuế quan.

Việt Nam với vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí sản xuất cạnh tranh, và hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp đang phát triển mạnh, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc.

Thứ hai, so với Trung Quốc, chi phí lao động tại Việt Nam rẻ hơn đáng kể, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển nhà máy sang.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp FDI giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các công ty quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nội thất và linh kiện công nghiệp. Các tập đoàn lớn như Samsung, Apple, LG, Intel đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động dồi dào và hệ thống sản xuất đang phát triển.

Cuối cùng, Việt Nam có quan hệ thương mại tương đối tốt với Mỹ, không bị xem là mối đe dọa lớn như Trung Quốc. Các công ty Mỹ cũng đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại Mỹ, giúp tránh các rủi ro thuế quan khi nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.

Nhìn chung, với việc Mỹ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế để tránh chi phí nhập khẩu đắt đỏ.

Việt Nam, với các lợi thế như chi phí sản xuất cạnh tranh, quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ và sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất, sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Thực tế, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ rất cao trong giai đoạn trước, và xu hướng này sẽ tiếp tục khi nhiều công ty lựa chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất mới.

TPS cho rằng nếu duy trì chính sách thương mại linh hoạt, kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ củng cố vị thế là trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực, tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Các chuyên gia phân tích cũng nêu ra 4 ngành dự báo sẽ được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như bất động sản khu công nghiệp, thuỷ sản, logistics và vận tải cùng dệt may.

 Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 2 của TPS. 

Bích Thu