S&P 500 tăng chuỗi 4 phiên khi các báo cáo lạm phát đều như kỳ vọng
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 12/9, chỉ số S&P 500 đã tăng 0,75% lên 5.596 điểm, đánh dấu ngày tăng thứ 4 liên tiếp. Sau diễn biến trên, S&P 500 hiện chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 1,3%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đi lên 235 điểm, tương đương 0,58% và chốt phiên ở mức 41.097 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% lên 17.570 điểm.
Cổ phiếu các công ty bán dẫn và công nghệ vốn hóa lớn tiếp tục tăng trong phiên 12/9, thúc đẩy thị trường. Cổ phiếu gã khổng lồ bán dẫn Nvidia tăng 1,9%, trong khi Alphabet (Google) và Meta (Facebook) đều cùng tiến thêm hơn 2%.
Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) là dữ liệu quan trọng cuối cùng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17 - 18/9.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố, PPI tháng 8 đã tăng 0,2% so với tháng liền trước, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò. Tuy nhiên, nếu loại trừ biến động của thực phẩm và năng lượng, PPI lõi tăng 0,3% so với tháng 7, cao hơn so với ước tính là 0,2%.
Trước đó một ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết vào tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% so với tháng trước và 2,5% so với cùng kỳ, phù hợp với ước tính của Dow Jones.
CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn ước tính 0,2% của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ, CPI lõi tăng 3,2%, như kỳ vọng.
Cùng với đó, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới cho tuần kết thúc vào ngày 7/9 cũng nhích nhẹ so với tuần trước và cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế, lên 230.000 đơn.
Trong một diễn biến khác, ở bên kia Đại Tây dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất tiền gửi qua đêm (deposit facility) thêm 25 điểm cơ bản xuống 3,5%.
“Nhìn chung, mọi người đang chờ đợi và xem xét trước quyết định của Fed vào tuần tới”, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Edward Jones là bà Mona Mahajan nhận định. Chuyên gia này lưu ý rằng thị trường đã gặp nhiều biến động trong bối cảnh tháng 9 là khoảng thời gian khó khăn với chứng khoán.
Bà Mahajan vẫn kỳ vọng rằng nền kinh tế “sẽ hạ nhiệt nhưng không sụp đổ” cho dù sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán có thể tiếp diễn.
“Nếu Fed cắt giảm lãi suất, lạm phát dần giảm bớt và nền kinh tế có thể hạ cánh mềm thì theo lịch sử, thị trường sẽ tiếp tục có kết quả tích cực. Đối với chúng tôi, đây là kịch bản khả dĩ nhất”, vị chiến lược gia cho biết.