|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư vỡ mộng, hết hy vọng Fed giảm lãi suất 50 bps

08:03 | 12/09/2024
Chia sẻ
Theo CME Group, các nhà giao dịch đang nghiêng hẳn về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất 25 bps.

Màn hình trình chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trên sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 1/2023. (Ảnh: Reuters).

Thị trường trái phiếu có vẻ không còn hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp chính sách tuần tới khi dữ liệu lạm phát và việc làm thúc đẩy các quan chức hành động thận trọng.

Theo CME Group, các nhà giao dịch đang nghiêng hẳn về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất 25 bps. Công cụ FedWatch cho thấy xác suất cho kịch bản này vào khoảng 85%.

Ông George Catrambone, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định của DWS Americas, nhận định: “Cả thị trường trái phiếu và Fed đều cần đánh giá xem nền kinh tế Mỹ đang đi về đâu”.

Liệu nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm và chỉ cần một vài đợt cắt giảm lãi suất khiêm tốn (như vào các năm 2019 và 1995) hay sẽ hạ cánh cứng vào năm tới là câu hỏi hóc búa nhất đối với các nhà đầu tư.

“Vấn đề nhức nhối là thị trường đã kỳ vọng rất nhiều đợt cắt giảm lãi suất”, ông Catrambone chia sẻ với Bloomberg.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5% kể từ tháng 7 năm ngoái. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đã dịu bớt trong 14 tháng qua, mức lãi suất đó ngày càng đè nặng lên nền kinh tế.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Fed đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào tháng 9.

 

“Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất và chúng tôi dự kiến họ sẽ giảm 25 bps vào tháng này”, nhà quản lý danh mục Matt Eagan của Loomis Sayles cho hay.

Khi Fed bắt đầu hạ chi phí đi vay, cuộc tranh luận của thị trường sẽ tập trung vào tốc độ nới lỏng trong các cuộc họp tiếp theo.

Các quan chức xác định nếu thị trường lao động tiếp tục suy yếu, họ có thể đẩy nhanh việc hạ lãi suất trong những tháng tới. Nhưng một loạt báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến đã không tạo đủ cơ sở cho việc hạ lãi suất nhanh chóng.

Ông Eagan dự đoán trong chu kỳ nới lỏng sắp tới, Fed sẽ đưa lãi suất xuống mức 3,5% - cao hơn kỳ vọng hiện tại của thị trường là dưới 3%.

Vị chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát sẽ duy trì do một số yếu tố mang tính cấu trúc như thâm hụt ngân sách lớn, dân số già hoá và lo ngại về rủi ro địa chính trị.

Đối với các nhà giao dịch, rủi ro đuôi với thị trường trong những tháng tới là hướng đi của nền kinh tế và lĩnh vực việc làm. Trước khi Fed nhóm họp vào đầu tháng 11, hai báo cáo việc làm nữa sẽ được công bố.

Hiện tại, thị trường dự kiến Fed sẽ giảm lãi suất hơn 140 bps cho đến cuộc họp vào tháng 1 năm sau. Tức là, Fed có thể phải giảm 50 bps hai lần trong 4 cuộc họp tiếp theo (không tính các cuộc họp khẩn cấp).

Hôm 11/9, sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 được công bố, các nhà kinh tế của Citi đã từ bỏ dự báo Fed giảm 50 bps vào cuộc họp tuần tới. Tuy nhiên, Citi vẫn dự kiến Fed sẽ giảm tổng cộng 125 bps trong năm nay.

Trái ngược với Citi, JPMorgan Chase vẫn kiên định với quan điểm Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 bps trong tháng 9.

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy vào tháng 8, CPI tăng 0,2% so với tháng trước - phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,5% - giảm 0,4 điểm % so với con số của tháng 7 và thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế là 2,6%. Số liệu của tháng 8 còn là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Tuy nhiên, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn ước tính 0,2% của các nhà kinh tế. So với cùng kỳ, CPI lõi tăng 3,2%, tương ứng với dự báo.

Khả Nhân

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.