|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Smartphone Việt Nam dần nói lời chia tay thị trường ngay trên sân nhà

11:51 | 11/05/2021
Chia sẻ
Với các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ... thị trường smartphone trong nước được xem là lợi thế của họ. Trong khi tại Việt Nam, các thương hiệu Việt lại lần lượt nói lời chia tay thị trường.

Hôm 9/5, Vingroup đã chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động nhằm tập trung hoàn toàn cho VinFast. Điều này đồng nghĩa với việc smartphone mang thương hiệu VSmart sẽ không còn được sản xuất.  

Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV. Trong đó, điện thoại Vsmart từng có thời điểm nằm trong top 3 thị phần smartphone tại Việt Nam.

Lời chia tay với thị trường smartphone lần này của VinSmart lại thêm một nữa cho thấy thực trạng của ngành sản xuất điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt. Tại nơi được xem là sân nhà, chúng ta liên tiếp gục ngã, không cạnh tranh được với hãng ngoại, dù từng xuất hiện cực kỳ khí thế với niềm tự hào điện thoại thông minh bản địa.

Từ Asanzo tới Mobiistar, những kẻ mơ mộng cướp lấy miếng bánh thị phần từ hãng ngoại

Tháng 8/2017, tại sự kiện ở TP HCM, mang đôi giày Biti's lên sân khấu, ông Ngô Nguyên Kha, CEO của Mobiistar muốn thể hiện tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Khi đó, ông Kha chia sẻ rằng Mobiistar rất mừng nếu có một thương hiệu điện thoại Việt khác cùng cạnh tranh trên thị trường. 

Mobiistar là thương hiệu điện thoại di động của Mobile Star Corp, ra mắt người dùng Việt Nam từ tháng 6/2009. Ban đầu, hãng tập trung vào các sản phẩm điện thoại giá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Năm 2011, Mobiistar có động thái phát triển các dòng smartphone giá cả phải chăng cho thị trường Việt. 

Ngay sau Mobiistar, thị trường smartphone Việt chứng kiến nhiều người chơi mới tham gia như BPhone của Bkav hay điện thoại Z5 và S5 đến từ Asanzo - một nhà sản xuất đồ điện tử non trẻ của CEO Phạm Văn Tam.

Smartphone 'Made in Việt Nam' và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 2.

Asanzo cho ra mắt mẫu điện thoại thông minh có mức giá dễ chịu, chỉ dưới 3 triệu đồng (Ảnh: Thế Giới Di Động).

Trong khi Asanzo và Mobiistar theo đuổi dòng sản phẩm smartphone giá rẻ thì BPhone của CEO Nguyễn Tử Quảng lại hướng đến việc sản xuất điện thoại thông minh do người Việt tự nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, hãng lại nhắm đến phân khúc trung cận cao cấp về giá, gần ngang ngửa những các thương hiệu ngoại. .

Năm 2018, Mobiistar bất ngờ rời thị trường Việt và chuyển hướng sang Ấn Độ, một thị trường tỷ dân và có nhiều cơ hội cho smartphone giá rẻ. Hãng di động từng ôm mộng mang điện thoại nội vào từng gia đình Việt nay phải ngậm ngùi tìm cách phổ cập di động cho... người Ấn. 

Đến tháng 6/2019, báo ET Telecom của Ấn Độ cho biết Mobiistar đã "âm thầm" rút lui khỏi thị trường này, trong suốt một năm hoạt động tại Ấn Độ, Mobiistar đã giới thiệu tổng cộng 9 mẫu smartphone.

Smartphone 'Made in Việt Nam' và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 3.

CEO Mobiistar, Ngô Nguyên Kha tại một sự kiện ra mắt điện thoại thông minh của hãng ở Ấn Độ (Ảnh: indiablooms).

Tương tự, Asanzo sau hai năm nhảy vào cuộc chơi với phân khúc điện thoại thông minh giả rẻ, cũng đã phải nói lời chia tay thị trường smartphone. CEO Phạm Văn Tam cho biết công ty tập trung vào thế mạnh lõi là TV và đồ gia dụng.

Hiện smartphone của Asanzo không còn xuất hiện trên các nhà bán lẻ di động. Trên website của hãng vẫn bán điện thoại với trạng thái "có hàng" nhưng tổng đài hỗ trợ xác nhận Asanzo "đã ngừng sản xuất điện thoại và không còn bán nữa".

Thương hiệu Việt "ngộp thở" giữa vòng vây của nhà sản xuất smartphone ngoại

Ngoài những tên tuổi lớn đã có kinh nghiệm và thế mạnh chiếm lĩnh thị trường như Samsung, Apple, smartphone Việt còn phải cạnh tranh với những nhà sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc, có thể kể đến Oppo, Xiaomi, Huawei...

Nếu như Mobiistar hay Asanzo chịu thua trước những nhà sản xuất smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc thì BPhone, với phân khúc về giá của mình cũng chưa thể cạnh tranh được với những ông lớn như Apple, Samsung. Trong các báo cáo về thị phần smartphone tại Việt Nam, hiếm khi thấy Bphone lọt top.

Chưa kể, ngoài phân khúc cao cấp và tầm trung, các nhà sản xuất nước ngoài cũng "tận diệt" thương hiệu Việt với phân khúc thấp, tầm trung. Có thể kể tới Samsung với dòng điện thoại Galaxy M.

Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, trung bình năm 2020 VSmart chiếm 12,7% thị phần sản xuất điện thoại, sau hai tên tuổi là Samsung 31% và Oppo 18,6%, xếp trên Vivo (8,4%).

Smartphone 'Made in Việt Nam' và nỗi đau gục ngã ngay trên sân nhà - Ảnh 5.

VinSmart xếp thứ 4 trong top 5 nhà cung cấp smartphone tại thị trường Việt Nam trong quý I/2021 (Ảnh: Canalys).

Trong năm 2020, VinSmart cho biết hãng đã bán ra thị trường 1,95 triệu chiếc điện thoại thông minh, tăng gấp 225% so với doanh số năm 2019 là 600.000 chiếc. 

Số liệu từ Canalys cho thấy VinSmart đứng thứ 4  trong 5 nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thị trường Việt Nam trong quý I/2021. Chính vì thế, sự ra đi lần này của VinSmart khiến một số người cảm thấy tiếc nuối cho một hãng điện thoại có thể gánh vác trọng trách lấy lại thể diện cho nền sản xuất smartphone nội.

Vượng Phát