|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Singapore bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người

11:44 | 13/08/2020
Chia sẻ
Singapore đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin chống COVID-19 trên người sau khi thử nghiệm tiền lâm sàng cho kết quả vượt mong đợi. Loại vắc xin này có thể chỉ cần tiêm một lần với liều lượng rất thấp.

Vắc xin chống COVID-19 được phát triển bởi Trường Y Duke-NUS và Công ty dược phẩm Arcturus Therapeutics của Hoa Kỳ. Singapore đã tiến hành tiêm thử nghiệm loại vắc xin này trên một số tình nguyện viên khỏe mạnh.

Singapore đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin chống COVID-19 trên người - Ảnh 1.

Lunar-Cov19 chứa vật liệu di truyền khiến các tế bào của cơ thể bắt đầu sản xuất một loại protein tương tự như của virus. (Ảnh: Straitstimes).

Hôm 11/8, công ty dược phẩm Arcturus cho biết giai đoạn đầu tiên của cuộc thử nghiệm có sự tham gia của các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 21-55, và đều được tiêm một mũi vắc xin COVID-19

Dữ liệu từ giai đoạn này sẽ được sử dụng làm cơ sở để lựa chọn các chế độ liều lượng cho giai đoạn tiếp theo (gồm những tình nguyện viên từ 56-80 tuổi, và cả những người trẻ hơn). 

Joseph Payne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Arcturus cho biết dựa trên các thử nghiệm tiền lâm sàng, vắc xin của hãng có thể chỉ cần tiêm một lần và với liều lượng rất thấp. 

Ông nói: “Những thuộc tính này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt cần thiết để kiểm soát đại dịch toàn cầu này". 

Tính đến tuần trước, hơn 250 người ở Singapore đã tình nguyện tham gia thử nghiệm loại vắc xin có tên Lunar-Cov19, nhưng chỉ có khoảng 100 người được chọn. 

Cuộc thử nghiệm do Đơn vị Y học Điều tra SingHealth điều hành, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 10 năm nay. Vắc xin có tên Lunar-Cov19 ban đầu dự kiến bắt đầu thử nghiệm vào tháng 9, nhưng đã được phê duyệt trước thời hạn do các thử nghiệm tiền lâm sàng "vượt quá mong đợi". 

Lunar-Cov19 chứa vật liệu di truyền được gọi là mRNA (RNA thông tin), mã hóa một phần của virus. Khi được tiêm vào người, mRNA khiến các tế bào của cơ thể bắt đầu sản xuất một loại protein tương tự như protein của virus SARS-CoV-2, cho phép cơ thể nhận biết và từ đó kích hoạt cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch và tạo kháng thể chống lại protein của virus.

Theo The Guardian, phương pháp phát triển vắc xin quen thuộc là đưa vào cơ thể virus ở dạng đã bị bất hoạt hoặc làm yếu đi, từ đó kích hoạt cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch và tạo kháng thể chống lại những protein cụ thể của loại virus đó.

Chưa có loại vắc xin mRNA nào được cấp phép sử dụng trên người. Tuy nhiên, những người ủng hộ vắc xin này nói rằng nó có thể dễ sản xuất hàng loạt hơn so với vắc xin truyền thống.

Qui trình bào chế vắc xin mRNA nhanh hơn nhiều so với những phương pháp bào chế vắc xin truyền thống vì nó bỏ qua được các bước khó nhọc như bất hoạt virus hay phân lập các protein.

Vắc xin được thử nghiệm như thế nào?

Trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu tiêm vắc xin cho động vật để xem liệu vắc xin có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.

Tiếp theo, trong giai đoạn I của thử nghiệm lâm sàng, vắc xin được tiêm cho một nhóm nhỏ người để xác định liệu vắc xin có an toàn, và để tìm hiểu thêm về phản ứng miễn dịch mà vắc xin gây ra.

Trong giai đoạn II, vắc xin được tiêm cho hàng trăm người để các nhà khoa học có thể tìm hiểu kĩ hơn về độ an toàn và liều lượng chính xác.

Tới giai đoạn III, vắc xin được tiêm cho hàng nghìn người để xác nhận tính an toàn, bao gồm các tác dụng phụ hiếm gặp, và hiệu quả. Những thử nghiệm này liên quan đến một nhóm đối chứng được sử dụng giả dược.

Những người tham gia các thử nghiệm ở giai đoan II và III sẽ ngẫu nhiên nhận được một liều vắc xin thấp, liều cao hoặc giả dược và các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi tiến trình của cả ba nhóm.

Như Ý (Theo Straits Times)