|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thông qua dự thảo phương hướng nhân sự Trung ương khóa 14

22:00 | 12/04/2025
Chia sẻ
Ban chấp hành Trung ương đã thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, đồng thời bổ sung nhân sự vào quy hoạch.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11 khóa 13 vào chiều 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương đã thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 14, bổ sung quy hoạch nhân sự, sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành Điều lệ Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, cũng như các chỉ thị, kết luận về đại hội đảng bộ các cấp và phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Hội nghị cũng đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay, đặc biệt là việc quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bố trí cán bộ, đảm bảo hoạt động thông suốt của các cơ quan, đơn vị trước, trong và sau quá trình sắp xếp.

Tổng Bí thư lưu ý các địa phương sáp nhập cần xây dựng văn kiện đại hội trên tinh thần "không gian phát triển mở rộng" và lựa chọn nhân sự dựa trên tiêu chuẩn cao nhất là yêu cầu công việc.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11, chiều 12/4. (Ảnh: TTXVN)

Các cơ quan có trách nhiệm giữ lại người tài, thực hiện tốt chính sách cho người bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho việc sắp xếp. Phương án quản lý, sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc cần được chủ động, "tuyệt đối tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực".

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, dù trước, trong hay sau sắp xếp, phải đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả. Công việc không được gián đoạn, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, để không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và người dân.

Các địa phương sáp nhập sẽ tổ chức đại hội Đảng cấp xã và tỉnh ngay sau đó. Tổng Bí thư lưu ý các tỉnh sáp nhập, hợp nhất, Ban Thường vụ cần bàn bạc để xây dựng văn kiện đại hội tỉnh mới theo tinh thần "không gian phát triển mở rộng", không chỉ cộng gộp văn kiện cũ. Các xã sáp nhập cũng cần thực hiện tương tự.

Theo Tổng Bí thư, nhiều đại biểu quan tâm đến việc sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và chuẩn bị cho đại hội, các cơ quan Trung ương sẽ có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn.

"Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh có sáp nhập, hợp nhất phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập", Tổng Bí thư nói.

Ông nhấn mạnh rằng những vấn đề chưa thống nhất thì Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân công phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo.

Đại biểu dự phiên bế mạc hội nghị Trung ương 11. (Ảnh: TTXVN)

Trung ương thống nhất quyết tâm xác lập mô hình tăng trưởng mới

Tổng Bí thư đánh giá cao sự ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn sâu sắc của các dự thảo văn kiện Đại hội 14 của Đảng. Hội nghị đã thống nhất cao về ba giải pháp lớn, trong đó mục tiêu hàng đầu là đảm bảo ổn định, phát triển và nâng cao đời sống nhân dân thông qua phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững, dựa trên tinh thần chủ động, tự cường và tự chủ.

Một trong những quyết tâm lớn của Trung ương là "xác lập mô hình tăng trưởng mới" và "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" nhằm khắc phục nguy cơ tụt hậu.

Trong mô hình tăng trưởng này, kinh tế tư nhân (bao gồm cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài) được xác định là động lực quan trọng nhất, cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với khu vực này.

Tổng Bí thư cho biết Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới.

Cùng với các Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Việt Nam "quyết tâm thực hiện cho bằng được" mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng hai con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Vũ Tuân