Sea tạo sóng ở Đông Nam Á [Phần 2] : Những vật cản trong tương lai
Canh bạc lời lãi
Tương tự Garena, nền tảng thương mại điện tử (e-commerce) Shopee của Sea cũng ghi nhận tín hiệu tích cực. Song, Shopee đến nay vẫn chưa có lãi.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 do Sea công bố, dù doanh thu từ mảng e-commerce tăng 173,3% lên 618 triệu USD, chỉ số EBITDA của Shopee vẫn âm 301,6 triệu USD. Cùng kỳ năm trước, Shopee báo EBITDA âm khoảng 253,7 triệu USD. Ngược lại, doanh thu từ mảng giải trí số (chủ yếu từ game di động) tăng 72,9% lên 569 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Jason Davis - Phó Giáo sư tại Đại học tư nhân Insead, cho biết giới phân tích coi Shopee là một "canh bạc dài hạn" của Sea. Ông nói, điều này đặc biệt đúng vì chưa có tay chơi nào thống trị thị trường e-commerce ở Đông Nam Á, đồng nghĩa rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót tiền vào các nền tảng như Shopee.
"Chịu thiệt một chút để sau này trở thành nền tảng thống trị với cơ sở người dùng ổn định và kiếm tiền từ đó cũng rất đáng... Shopee vẫn có thể là sàn e-commerce tiềm năng nhất dù biên lợi nhuận của họ chưa tăng trưởng", ông Davis nói thêm.
Các yếu tố khác, chẳng hạn như biên lợi nhuận thấp trong ngành e-commerce và mức độ cạnh tranh cao tại Đông Nam Á, cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của Shopee đi xuống, chuyên gia Tan Yinglan của công ty đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners cho hay.
Do đó, bước chân vào và ở lại trong ngành thương mại điện tử không nhất thiết là phải có lợi nhuận ngay lập tức.
Ông Wang Yanbo của Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã so sánh tình huống của Shopee với gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon. Trong nhiều năm liền, để xây dựng cơ sở người dùng, Amazon cũng không có lãi.
"Ở các mảng kinh doanh như thế, lợi nhuận ngắn hạn không quan trọng bằng khả năng phát triển cơ sở người dùng và kênh doanh thu một cách bền vững. Đối với Sea, miễn là họ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lực tổ chức và các quan hệ đối tác lớn để phát triển hệ sinh thái, việc Shopee chưa có lãi cũng không thành vấn đề", ông Wang nhấn mạnh.
Gần đây, Sea đã tung ra nền tảng SeaMoney, trụ cột kinh doanh thứ ba, để tìm chỗ đứng trong lĩnh vực thanh toán số. SeaMoney cũng chưa có lãi và được các chuyên gia xem là một hướng đi mới của Sea.
Song, việc có được giấy phép kinh doanh ngân hàng số tại Singapore và thương vụ mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi của Indonesia có thể thúc đẩy triển vọng của Sea trên mặt trận mới.
Đợt IPO năm 2017 được coi là một trong những điểm nhấn trong thập kỷ thành công của Sea, SCMP cho hay. Sea huy động được khoảng 884 triệu USD và làm nên lịch sử với tư cách là công ty công nghệ lớn đầu tiên của Đông Nam Á niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE).
CEO Li Jianggan của quỹ đầu tư mạo hiểm Momentum Works nhận thấy sự kiện niêm yết của Sea trên NYSE có "ý nghĩa lớn". Ông lý giải: "Thị trường tài chính Mỹ có tính thanh khoản cao hơn, nhà đầu tư sẵn sàng hỗ trợ các công ty công nghệ tập trung vào tăng trưởng thay vì lợi nhuận".
Quá nhanh, quá nguy hiểm?
Ông Wang của NUS cho rằng Sea phát triển quá nhanh cũng là một "mối lo ngại có cơ sở" song vị chuyên gia vẫn lưu ý về hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, liệu việc mở rộng có phải là một phần tăng trưởng tự nhiên của các mảng kinh doanh cốt lõi không và thứ hai, liệu Sea có nắm được cách vận hành của nhiều thị trường khác nhau trước khi "xuống tiền" đầu tư hay chưa.
"Chúng ta cần lưu ý rằng Sea là một công ty nền tảng tập trung vào các thị trường mới nổi. Vì là một thị trường số, Sea có cơ hội tận dụng kho dữ liệu lớn của mình để mở rộng sang các hoạt động kinh tế trực tuyến khác", ông nói.
Ông Wang cho rằng việc Sea mở rộng sang lĩnh vực thanh toán số là một diễn biến "tự nhiên". Tuy nhiên, thành công ở mảng này vẫn là một ẩn số vì thanh toán số là mảng kinh doanh đặc thù đòi hỏi nhiều chuyên môn đặc biệt.
Ngoài ra, ông Wang nhận thấy thông qua mở rộng đến Mỹ Latin, Sea có thể khẳng định họ là một công ty toàn cầu chứ không chỉ loanh quanh trong khu vực Đông Nam Á. Điều này có thể tác động tích cực đến định giá của Sea, dù ông Wang cho là rất khó để Sea lặp lại thành công ở Đông Nam Á ở một thị trường mới.
Tương tự, ông Tan của Insignia nhận thấy đà tăng trưởng "nhanh và hay tìm tòi khám phá" là đặc tính quan trọng của Sea, góp phần mang lại thành công cho tập đoàn này.
Phó Giáo sư Davis của Insead cho biết Sea đã tích lũy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau và tham vọng mở rộng sang mảng e-commerce và thanh toán số là một "hướng đi bền vững". Ông Li của Momentum cũng có quan điểm tương tự.
Đối đầu những gã khổng lồ
Ông Tan của Insignia cho rằng cạnh tranh khốc liệt là điều dễ hiểu bởi Đông Nam Á đang trở thành "điểm nóng" cho các nhà đầu tư công nghệ và công ty Internet. Dù vậy, vị chuyên gia nhận định rằng, so với các đối thủ, Sea đã tạo dựng được những lát cắt địa phương hóa mà một công ty nước ngoài sẽ khó có thể đạt được.
"Đồng thời, Sea còn phát triển đến quy mô mà thậm chí các ông lớn trong khu vực cũng khó lòng cạnh tranh được", ông Tan nói thêm.
Một lợi thế khác của Sea là mảng game. Game, mạng xã hội và giải trí ngày càng được nhìn nhận là điểm đầu vào cho thương mại điện tử và dịch vụ tài chính. Ông Tan cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho Sea khi kết hợp chéo các sản phẩm với nhau.
Bên cạnh đó, Sea vẫn còn nhiều cơ hội để thống trị ngành e-commerce khi "ông lớn" Alibaba có những hạn chế về văn hóa và tổ chức khiến họ khó có thể hoạt động hiệu quả bên ngoài Trung Quốc.
Ông Li từ Momentum Works nhận định Grab là đối thủ lớn nhất của Sea ở Đông Nam Á. Grab đã mở rộng sang lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính và sở hữu đủ nguồn lực để thành công.
Phó Giáo sư Davis của Insead coi Sea là một "tập đoàn số nhỏ nhưng hoạt động tập trung và nhanh nhẹn". Điều này cho phép họ có thể thích ứng với thay đổi nhanh hơn các đối thủ lớn. "Tôi thành thật tin rằng Sea đã sẵn sàng cho sự cạnh tranh", ông Davis nhấn mạnh.