|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau khi bị thổi bay 18.000 tỷ USD vốn hóa, chứng khoán toàn cầu chuẩn bị cho một năm 2023 đầy thách thức

06:46 | 31/12/2022
Chia sẻ
Chứng khoán toàn cầu năm 2023 sẽ cần vượt qua một loạt thử thách, bao gồm nguy cơ ngân hàng trung ương kiên quyết thắt chặt, suy thoái lợi nhuận, Big Tech đi xuống, rắc rối từ việc Trung Quốc mở cửa, ...

Theo Bloomberg, sau một năm sụt giảm 18.000 tỷ USD vốn hóa, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ cần vượt qua nhiều thử thách trong năm 2023 nếu không muốn hai năm liên tiếp đầy sắc đỏ. Chỉ số MSCI All-Country World Index đang trên đà ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng 2008. 

Chỉ số MSCI All-Country World Index tổng hợp dữ liệu từ cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa tại 24 nền kinh tế mới nổi và 23 nền kinh tế phát triển.

Những nhà đầu tư giá lên vào năm 2023 có thể tự an ủi rằng hai năm chứng khoán đi xuống liên tiếp là một hiện tượng hiếm thấy trên các thị trường lớn. Chỉ số S&P 500 mới chỉ cắm đầu hai năm liên tiếp trong 4 lần kể từ 1928. Tuy nhiên, điều đáng sợ là, sự sụt giảm trong năm thứ hai thường tồi tệ hơn năm đầu.

Dưới đây là một số yếu tố có thể định đoạt số phận của thị trường chứng khoán năm 2023:

Ngân hàng trung ương

Những người lạc quan có thể chỉ ra rằng lãi suất cơ bản sắp đạt đỉnh, có thể là vào tháng 3/2023. Thị trường tiền tệ kỳ vọng rằng Fed sẽ chuyển sang nới lỏng vào cuối năm sau. Một khảo sát của Bloomberg News cho thấy 71% nhà đầu tư toàn cầu mong đợi chứng khoán sẽ tăng trong năm 2023.

Ông Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư tại Amundi, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, khuyến nghị các nhà đầu tư chọn vị thế phòng thủ khi bước sang năm mới. Ông kỳ vọng năm 2023 sẽ đầy trắc trở, tuy nhiên “việc Fed thay đổi chính sách trong phần đầu của năm sẽ là thời điểm vào lệnh thú vị”.

 

Tuy vậy, lạm phát có thể vẫn sẽ cao, khiến các nhà hoạch định chính sách không thể hạ lãi suất. Mô hình của Bloomberg Economics cho thấy suy thoái 100% sẽ xảy ra vào tháng 8/2023.

Tuy vậy, dường như các ngân hàng trung ương sẽ không vội vàng nới lỏng, ngay cả khi đối mặt với những vết rạn nứt trong nền kinh tế. Trong thập kỷ vừa qua, các ngân hàng trung ương thường sẵn sàng giải cứu nền kinh tế.

“Các nhà hoạch định chính sách, ít nhất tại Mỹ và châu Âu, dường như đã chấp nhận việc kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2023”, Giám đốc đầu tư của Deutsche Bank Private Bank, ông Christian Nolting nhận định. Suy thoái có thể ngắn nhưng vẫn sẽ gây đau đớn, ông nói.

Rắc rối của Big Tech

Một ẩn số lớn đối với chứng khoán toàn cầu trong năm 2023 là sự biến động của các cổ phiếu công nghệ lớn (Big Tech). Vào năm 2022, Nasdaq 100, với tỷ trọng doanh nghiệp công nghệ cao, đã cắm đầu 35%. 

Những doanh nghiệp như Meta (Facebook), Tesla đã mất đi 2/3 giá trị, trong khi Amazon và Netflix đã sụt giảm khoảng 50%.

Cổ phiếu công nghệ thường bị ảnh hưởng mạnh hơn khi lãi suất tăng. Ngoài ra, nhiều xu hướng từng hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu công nghệ trong những năm gần đây có thể sẽ biến mất. Rủi ro suy thoái đang ảnh hưởng tới nhu cầu điện thoại iPhone, trong khi sự sụt giảm về quảng cáo trực tuyến có thể kéo theo cổ phiếu của Meta và Alphabet (Google) tụt dốc.

 

Trong khảo sát thường niên của Bloomberg, chỉ khoảng 1/2 số người được hỏi cho biết sẽ mua cổ phiếu công nghệ vào năm 2023. 

“Một số cái tên trong lĩnh vực công nghệ sẽ trở lại nhờ thành công trong việc thuyết phục khách hàng, chẳng hạn như Amazon. Tuy nhiên, số khác sẽ không bao giờ chạm mức đỉnh như trước”, bà Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners, cho hay.

Suy thoái lợi nhuận

Lợi nhuận bền bỉ của nhiều tập đoàn dự kiến sẽ sụp đổ trong năm 2023, khi áp lực đè nặng lên tỷ suất sinh lời, và nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

“Giai đoạn cuối cùng của thị trường giá xuống là về kỳ vọng lợi nhuận, vốn đang quá cao”, ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley cho biết. Ông dự đoán rằng thu nhập trên mỗi cổ phiếu S&P 500 vào năm 2023 sẽ chỉ là 180 USD, so với kỳ vọng của nhiều nhà phân tích là 231 USD.

Ông cho rằng cuộc suy thoái lợi nhuận sắp tới có thể sẽ lớn như năm 2008, và thị trường vẫn chưa tính đến nguy cơ này.

Trung Quốc mong manh

Vào đầu tháng 12, Trung Quốc quyết định nới lỏng quy định phòng dịch, giúp đảo ngược đà giảm của chứng khoán nước này. Mức sụt giảm 24% của chỉ số MSCI’s China Index đã đóng vai trò lớn trong sự đi xuống của thị trường toàn cầu trong năm 2023.

 

Đợt tăng giá khoảng một tháng tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã dừng lại sau khi số ca nhiễm tăng vọt đe dọa triển vọng phục hồi. Nhiều quốc gia hiện đang yêu cầu du khách Trung Quốc phải xét nghiệm COVID. Động thái trên có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cổ phiếu du lịch, giải trí và hàng xa xỉ.

Quả bom quyền chọn

Giao dịch hợp đồng quyền chọn với thời hạn rất ngắn đã bùng nổ vào năm 2022. Nhà giao dịch chuyên nghiệp và tổ chức sử dụng thuật toán đã đổ vào những hợp đồng loại này, vốn trước đây thường chỉ được nhà đầu tư nhỏ lẻ sử dụng.

Hiện tượng này có thể khiến thị trường trở nên hỗn loạn hơn, gây ra những đợt biến động đột ngột, chẳng hạn như sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 10.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.