|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau dịch COVID-19, mặt bằng 'hoa hậu' không còn là át chủ bài của các chuỗi

19:45 | 11/06/2020
Chia sẻ
Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang thay đổi tư duy của các chủ mô hình chuỗi, khiến họ không con ưu tiên mặt bằng ở vị trí đẹp, mà chú trọng những mặt bằng ở xa trung tâm, có diện tích nhỏ.

Sau khi xem xét 5 mặt bằng khắp thành phố Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Ngọc Thủy, chủ tịch chuỗi Viva Star Coffee,  chọn một mặt bằng ở xa trung tâm, không có hai mặt tiền nhưng có giá thuê thấp hơn tới 40% so với những mặt bằng còn lại. Theo chị Thủy, trong giai đoạn hiện nay, hiệu quả kinh doanh của mặt bằng là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải vị trí đẹp.

"Nếu một mặt bằng không cho phép chúng ta khai thác vào tất cả buổi sáng, trưa, chiều, tối, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng doanh thu. Những địa điểm ở trung tâm thành phố có sức hút lớn với khách vào buổi sáng và trưa, song lại thường vắng khách vào buổi chiều và tối", chị Thủy giải thích.

Mặt bằng đẹp không còn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp bán lẻ - Ảnh 1.

Điểm bán của một chuỗi bánh mì thịt bò nướng ở Hà Nội. Ảnh: Bami King

Đại dịch COVID-19 là dịp để nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhận ra tiềm năng của việc cung cấp dịch vụ trực tuyến hoặc dịch vụ tại nhà. Do vậy, mặt bằng đẹp không còn là ưu tiên hàng đầu của họ.

Hồ Kim Ngân, giám đốc điều hành chuỗi Star Home Spa, tiết lộ rằng cô đã coi dịch vụ spa tại nhà theo yêu cầu là nguồn doanh thu chủ chốt từ nay tới cuối năm. 

"Vì thế, chuỗi sẽ giảm số lượng mặt bằng, đồng thời giảm các chi phí liên quan tới vận hành những cơ sở", chị Ngân nói.

Việc chuỗi Soya Garden giảm hơn một nửa trong tổng số 50 điểm bán, chỉ giữ lại 23 cơ sở trên cả nước cho thấy vị trí đắc địa đã không còn phát huy ưu thế trong kinh doanh chuỗi, nhất là với những ngành chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19.

Hoàng Anh Tuấn, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Soya Garden, nhận định bỏ bớt mặt bằng giống như việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng giảm những điểm bán không hiệu quả và duy trì những cửa hàng có doanh thu cao. 

Soya Garden, theo ông Tuấn, cũng sẽ triển khai một mô hình mặt bằng khác với diện tích nhỏ hơn - đồng nghĩa với chi phí mặt bằng và nhân sự cũng giảm.

Vị giám đốc điều hành dự đoán rằng, trong thời gian tới, nhiều chuỗi cũng sẽ bỏ bớt cửa hàng và đẩy mạnh hoạt động bán trực tuyến. Theo ông,  từ nay đến cuối năm 2020, Soya Garden sẽ triển khai mô hình kiosk, cửa hàng nhỏ và dịch vụ giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, chuỗi sẽ không hoàn toàn thay các quán lớn bằng quán nhỏ, mà phát triển đồng thời.

Giới phân tích nhận định vị trí đẹp vẫn là yếu tố cần thiết đối với những chuỗi cần đẩy mạnh thương hiệu, song nó không có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hậu COVID-19 và trong bối cảnh các công cụ số đã phát huy tác dụng rõ rệt.

Ông Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định rằng các kênh truyền thông, quảng cáo số cũng có thể giúp doanh nghiệp tăng mức độ nhận biết thương hiệu rất nhanh. 

"Họ không cần phải có một vị trí đẹp, yếu tố khiến họ tốn chi phí lớn mà doanh thu thời dịch bệnh không thể bù đắp nổi", ông Khương giải thích.

Hàng loạt chuỗi đang triển khai chiến lược giảm bớt số lượng điểm bán và giảm diện tích mặt bằng, bởi họ chỉ cần sự hiện diện chứ không ưu tiên qui mô mặt bằng. Một số chuỗi cửa hàng trà sữa đang thực thi chiến lược thu hẹp mặt bằng rất quyết liệt.

Sau vài năm đua nhau thuê mặt bằng ở vị trí trung tâm với giá cao ngất ngưởng để mở rộng độ phủ, giờ đây nhiều thương hiệu buộc phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi thuê mặt bằng.

Khu vực ngã sáu Phù Đổng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh là một trong những "chiến địa" của các thương hiệu tại Việt Nam. Giới truyền thông từng đưa tin một thương hiệu sẵn sàng chi gấp đôi tiền thuê nhà ở đây để giành mặt bằng của một thương hiệu khác. Nhưng giờ đây, rất nhiều mặt bằng ở khu vực ngã sáu Phù Đổng đang bỏ trống hoặc treo thông báo tìm khách thuê.

Trên một số phố mua sắm sôi động ở quận 1, TP.HCM như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai quận 3, đường 3/2 tại quận 10, tình trạng nhà phố treo biển tìm khách thuê đồng loạt diễn ra ngày càng phổ biến, dù các biện pháp giãn cách xã hội đã hết hiệu lực từ cuối tháng 4. 

Riêng trên một đoạn đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ chí Minh, thông báo tìm người thuê xuất hiện ở 20 ngôi nhà mặt phố. Ông Mai Triều Nguyên, một doanh nhân chuyên phân phối thiết bị công nghệ với nhiều mặt bằng đẹp tại TP Hồ Chí Minh, nhận định đây là tình trạng chưa từng có tiền lệ đối với mặt bằng bán lẻ.

Không chỉ tại TP.HCM, những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, trục đường Kim Mã, khu vực Cầu Giấy và Đống Đa - vốn luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao - đang chứng kiến làn sóng khách thuê trả mặt bằng.

Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao dịch vụ cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết thực tế này là hệ quả của hai nguyên nhân chính, gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê.

Nhạc Phong