|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau khủng hoảng chuỗi cung ứng do COVID-19, doanh nghiệp Mỹ thấy Trung Quốc không còn hấp dẫn như Ấn Độ

11:05 | 08/06/2020
Chia sẻ
Ấn Độ đang trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp Mỹ sau khủng hoảng cung ứng liên quan tới đại dịch viêm phổi COVID-19 ở Trung Quốc.

Mối quan hệ của Mỹ với hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang trải qua quá trình chuyển đổi rõ rệt, nhanh chóng và có lẽ vĩnh viễn. Vào tháng 4 vừa qua, một cuộc khảo sát của Pew Center cho thấy 2/3 người Mỹ có đánh giá khá tiêu cực về Trung Quốc. 

Theo Pew Center, đây cũng là mức xếp hạng tiêu cực nhất đối với một quốc gia kể từ khi trung tâm này bắt đầu thực hiện khảo sát vào năm 2005. Vậy quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc ở vị trí 'sân sau' hấp dẫn này?

Câu trả lời mà nhiều người mong đợi nhất hiện nay là Ấn Độ. Vào cùng ngày Pew Center công bố kết quả khảo sát, Facebook tuyên bố đã đầu tư 5,7 tỉ USD vào công ty viễn thông lớn nhất Ấn Độ, Reliance Jio, và ngay lập tức đánh giá Jio là một trong năm công ty hàng đầu quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Vụ đầu tư diễn ra vào thời điểm cả California và Ấn Độ đều đang thực thi lệnh phong tỏa và thị trường vốn trên toàn cầu đang đóng băng. Trước đây, những thỏa thuận toàn cầu giữa hai đơn vị lớn thường đòi hỏi nhiều chuyến đi, các cuộc gặp trực tiếp và thỏa thuận chung nhưng Mukesh Ambani, chủ tịch của Reliance, đã công bố thương vụ ngay tại nhà riêng.

Dù thỏa thuận Facebook-Jio chỉ thuần túy về lĩnh vực công nghệ, nhóm chuyên gia Havard tin rằng năm 2020 có thể đánh dấu giai đoạn mới trong thương mại hàng hóa song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. 

Sự thay đổi này một phần do những căng thẳng do đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ -Trung trong thời gian qua. 

Sau khủng hoảng chuỗi cung ứng do COVID-19, doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang Ấn Độ? - Ảnh 1.

Chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc bị gián đoạn có thể là cơ hội mới với Ấn Độ. Ảnh: HBR

Làn sóng rời khỏi Trung Quốc

Các công ty ở Mỹ, Canada, Châu Âu và Úc đã chịu ảnh hưởng bởi cú sốc chuỗi cung ứng khi dòng nguyên liệu từ Trung Quốc gián đoạn do đại dịch. Các nhà điều hành doanh nghiệp buộc phải yêu cầu các đơn vị mắt xích trong chuỗi cung ứng phát triển các nguồn bổ sung bên ngoài Trung Quốc. 

Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đang lo ngại về sự an toàn của thực phẩm và các mặt hàng khác từ cường quốc phía Bắc cũng như các nhà đầu tư bắt đầu quan ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào bất một quốc gia nào. Cùng với đó, giới chính trị gia cũng như các nhà lãnh đạo cũng nóng lòng muốn doanh nghiệp trong nước nhanh chóng tách ra khỏi Trung Quốc.

Hơn 20 năm trước, các công ty điện tử Đài Loan đã mở đường cho Trung Quốc đại lục vào Mỹ nhưng dịch Covid-19 đã chặn đứng con đường này, theo Bloomberg đưa tin vào tháng 3/2020. 

T phú Trung Quốc Cao Dewang, thuộc ngành công nghiệp thủy tinh Fuyao thậm chí đã lên tiếng khẳng định chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tại sao là Ấn Độ?

Năm 2019, Mỹ đã nhập khẩu 452 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Chỉ có 5 quốc gia có chi phí thấp có GDP cao hơn: Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Brazil và Thái Lan. Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất trong số các ứng cử viên này và có tiềm năng lấp đầy khoảng trống trong chuỗi cung ứng do sự vắng mặt của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp trực tuyến gần đây với Phòng Thương mại Mỹ ở Ấn Độ, Thomas Vajda, phó trợ thư ký khu vực Nam Á khá tự tin về việc Ấn Độ sẽ sớm trở thành quốc gia tài phán mới cho nhiều hoạt động công nghiệp vốn đang diễn ra ở Trung Quốc, theo Financial Times.

Tiến sĩ Mukesh Aghi, Giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại, Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ, tuyên bố trong khi các công ty Mỹ đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc, Ấn Độ trở thành lựa chọn hấp dẫn. 

Lợi thế lớn của quốc gia này là lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh, tay nghề cao, chi phí lao động rẻ và quan trọng hơn cả là thị trường đang phát triển với 1,3 tỉ người có thu nhập ngày càng tăng.

Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, trên cả Trung Quốc, theo Nisha Biswal, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Ấn Độ Mỹ (USIBC). Bà cho biết rất nhiều công ty hàng đầu của Mỹ đặt cơ sở lớn nhất hoặc lớn thứ hai của họ tại Ấn Độ.

Những rào cản khác

Những kinh nghiệm thành công ở Trung Quốc có thể phản tác dụng tại Ấn Độ nên nhóm chuyên gia khuyến khích các nhà đầu tư nên thận trọng. Người Ấn Độ yêu nước Mỹ và văn hóa Mỹ nhưng sẽ phản ứng mạnh mẽ với những gì họ cho là sự kiêu ngạo của người Mỹ. 

Đầu tiên, để tận dụng Ấn Độ như một nguồn cung cấp, hầu hết các công ty Mỹ không nên vội vã đầu tư vào đất đai và cơ sở hạ tầng hay thuê nhân viên Ấn Độ. Khởi đầu với tư cách là người mua sẽ linh hoạt hơn, giảm chi phí và hạn chế rủi ro ban đầu.

Thứ hai, Ấn Độ là một quốc gia đa dạng với cấu trúc liên bang. Nhiều quy tắc kinh doanh có sự khác biệt giữa các tiểu bang. Các bang Andhra Pradesh, Gujarat, Karnataka, Maharashtra, Tamil Nadu và Telangana thường được cho là thân thiện hơn với doanh nghiệp địa phương và toàn cầu.

Thứ ba, dù hầu hết người Ấn Độ nói tiếng Anh, những người có nhu cầu khai thác thị trường này vẫn cần người phiên dịch hỗ trợ về văn hóa và hướng dẫn kinh doanh. Bộ Thương mại Mỹ đã có động thái hỗ trợ các công ty Mỹ bán hàng tại Ấn Độ nhưng chưa có hướng dẫn chính thức cho các công ty muốn lấy nguồn hàng từ quốc gia này. 

Cuối cùng, Ấn Độ vẫn là một đất nước có nền dân chủ non trẻ và dòng chảy hàng hóa chưa được giám sát chặt chẽ. Việc tìm nguồn cung ứng từ Ấn Độ đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. 

Đến nay, Ấn Độ đã cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài 100% vào hầu hết các lĩnh vực nên những công ty công nghệ không phải chia sẻ tài sản trí tuệ hoặc bí mật thương mại với đối tác địa phương. Nhiều công ty Mỹ đã có nhà máy ở Ấn Độ trong hàng chục năm và một số khác đã bắt tay đầu tư như nhà máy trị giá 100 triệu USD của Amway ở Tamil Nadu.

Theo quan điểm của nhóm chuyên gia Havard, sau hàng thập kỉ ngành bán lẻ của Mỹ phải phụ thuộc vào Trung Quốc, đây là thời điểm vàng để cân nhắc tới Ấn Độ - quốc gia sở hữu đầy đủ nguồn nhân lực, kĩ năng và cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuỗi cung ứng mới thời hậu COVID.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Phương

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.