Từng bị xua đuổi, giới bán rong trở thành niềm hi vọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế đô thị ở Trung Quốc
Ít nhất 27 thành phố ở Trung Quốc - bao gồm những đô thị lớn như Thượng Hải và Quảng Châu - đã thông báo họ sẽ nới lỏng những qui chế dành cho hoạt động kinh tế vi mô nhằm tăng sức tiêu thụ và giảm gánh nặng của tình trạng thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chính quyền địa phương đang đặt ra những chính sách mới cho phép các gánh hàng rong được phép hoạt động tại nhiều khu vực hơn, kèm theo đó là mang tới cho những gánh hàng này các khoản nợ nhà băng và giấy tờ hợp pháp.
Trước đây tiới quản lí đô thị luôn xua đuổi hay tịch thu hàng hóa của những người bán rong. Nhưng bây giờ, họ lại khuyến khích các tiểu thương đường phố hoạt động.
Hiện tại, các tập đoàn kinh tế lớn như Alibaba hay JD.com đang triển khai những khoản vay không lãi suất để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh đường phố. Những từ khóa như “cách kinh doanh hàng rong” đang trở nên phổ biến những công cụ tìm kiếm như Baidu.
“Tôi thấy thật hài hước. Giới quản lí đô thị từng cấm hoạt động buôn bán nhỏ, nhưng giờ đây họ lại cấp những loại giấy tờ cho phép tiểu thương hoạt động bán rong” Một người phụ nữ tên Li, từng sở hữu một gánh hàng rong chia sẻ.
Làm việc trong ngành quảng cáo, Li từng có một gian hàng túi thủ công nhỏ tại Bắc Kinh vào năm 2014. Hồi ấy cô gái gốc Thiên Tân vừa tới thủ đô để trở thành sinh viên đại học. Đối với Li, mở một gánh hàng rong là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm cho hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Những người bán món ăn đường phố ở Thượng Hải. Video: Conde Nast Traveler
Khi còn hoạt động như một chủ hàng rong không giấy phép, Li thấy đa số người kinh doanh nhỏ như cô đều mong kiếm thêm một khoản chu cấp cho gia đình, hoặc trang trải cho cuộc sống thành thị. Cô từng chứng kiến những vụ đụng độ giữa các chủ hàng rong và giới quản lí đô thị.
“Đối đầu như thế giống một cuộc chiến du kích. Tôi phải trốn khi cán bộ quản lí đô thị tới và chỉ quay trở lại khi mà họ biến mất. Hồi mới kinh doanh, thậm chí tôi còn bỏ hàng lại", Li kể.
Bán rong là hoạt động quan trọng trong tiến trình đô thị hóa tại Trung Quốc. Loại hình kinh doanh nhỏ, di động ở thành phố là nguồn thu nhập cho hàng triệu người không có công việc ổn định, hoặc người lao động thu nhập thấp.
Giáo sư Huang Gengzhi, giảng viên bộ môn Địa lị đô thị tại Đại học Yat-sen, tin rằng chính phủ Trung Quốc cần hiểu rõ giá trị kinh tế của các gánh hàng rong và trao cho họ những cơ sở pháp lý để hoạt động - chính sách mà các quốc gia khác như Singapore đã triển khai.
“Quan điểm của tôi là chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn đối với các gánh hàng rong. Họ nên coi hoạt động bán rong như một phần của nền kinh tế đô thị đang phát triển,” ông Huang bình luận.
Vị giáo sư nói thêm rằng chính quyền không nên thực hiện những nỗ lực nhất thời, bởi nếu họ làm vậy, họ sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực công.
Giai đoạn sau dịch đã khiến giới quản lí đô thị nhìn nhận khác về các gánh hàng rong, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Các chính sách khuyến khích người bán rong quay trở lại phố xá. Đương nhiên, giới bán rong cũng rất mong cơ hội trở lại.
Chẳng hạn, ở thành phố Thành Đô (phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên), giới chức đã dựng 36.000 quầy bán hàng di động vào cuối tháng 5, theo giới truyền thông địa phương. 36.000 quầy ấy tạo ra khoảng 100.000 việc làm và khuấy động hoạt động kinh tế trong thành phố. Thủ tướng Lý Khắc Cương đánh giá cao sáng kiến của Thành Đô trong hai kì họp quốc hội vào tháng trước.
Song các chuyên gia nói rằng hoạt động bán rong sôi động vẫn không thể giấu những vấn đề cơ bản. Giới truyền thông đưa tin về tình trạng tăng rác, số vụ tắc đường, giá thuê do nhiều người bán rong cùng thuê một quầy di động. Nguy cơ nhiễm COVID-19 cũng khá lớn trong bối cảnh các ca nhiễm vẫn tiếp xúc xuất hiện ở khắp nơi trên cả nước.
Ở những thành phố như Quảng Châu, những chính sách hiện hành đối với người bán rong không đồng đều. Giáo sư Huang nói rằng giới chức ưu tiên những người có hộ khẩu khi chọn người bán hàng trong khu vực mà chính quyền qui định. Khi nới lỏng chính sách, thành phố vẫn không cho phép những người không có giấy phép bán hàng.
"Trong giai đoạn sau dịch COVID-19, nền kinh tế bán rong nên đóng vai trò như chính sách hỗ trợ sinh kế. Nếu giới chức phải lựa chọn, tôi nghĩ họ không nên dựa vào hộ khẩu, bởi rất nhiều người nhập cư đang sống ở Quảng Châu", giáo sư Huang bình luận.