Chuyện giàu nhanh, nghèo chóng của những chủ doanh nghiệp tái chế rác ở Trung Quốc
Trên toàn cầu, khoảng một nửa số nhựa mà người ta dự định tái chế được giao dịch ở nước ngoài, theo một nghiên cứu gần đây trên Science Advances. Tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn ở vùng duyên hải phía tây nước Mỹ. Chẳng hạn, California xuất khẩu 2/3 lượng rác mà các gia đình ném vào thùng rác tái chế.
Nhiều thành phố trước đây đã nhận tiền từ các chương trình tái chế của họ giờ phải trả tiền cho dịch vụ vận chuyển để vứt rác. Vào đầu năm 2017, giá một kiện nhựa hỗn hợp có phẩm cấp thấp có thể đạt 20 USD mỗi tấn ở bang California. Nhưng một năm sau đó, người ta phải chi 10 USD để tống khứ nó.
Zoe Heller, một nhà quản lí của Cơ quan Tái chế rác bang California (Mỹ), nhận định rằng chính sách ngừng nhập rác chất lượng thấp của chính phủ Trung Quốc buộc mọi người phải thừa nhận tái chế rác không còn là hoạt động miễn phí.
"Điều mà Mỹ và phần còn lại của thế giới phải nhận ra là chúng ta phải thay đổi tư duy về ngành tái chế rác toàn cầu", Zoe nói.
Steve Wong từng là "vua tái chế nhựa" ở Trung Quốc. Công ty của ông từng chiếm khoảng 7% tổng lượng rác thải nhựa mà Trung Quốc nhập khẩu. Tài sản của Steve Wong từng có giá trị tới 900 triệu USD.
Nhưng đúng một năm sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác có chất lượng thấp, Steve lâm cảnh nợ nần, phải bán các nhà máy và những tài sản khác. Những quầng thâm dưới mắt của Steve cho thấy cuộc sống của ông đã không còn dễ dàng.
Hiện tại, Steve Wong sống ở thành phố Los Angeles, dù ông có quốc tịch Anh và lớn lên ở Hong Kong.
"Cuộc sống của tôi đã trở nên khó khăn. Khi nghe tin Trung Quốc cấm nhập khẩu rác chất lượng thấp, tôi không nghĩ tình hình lại trở nên khó khăn với những doanh nghiệp tái chế rác nhanh đến thế", ông tâm sự.
Sự nghiệp của Steve thăng và trầm theo ngành tái chế rác ở Trung Quốc. Khi Trung Quốc trở thành trung tâm tái chế rác từ thập niên 90 tới năm 2017, các nhà máy ở đại lục cần nguồn rác thô rất lớn. Thực tế ấy tạo ra nhu cầu lớn đối với cả những sản phẩm ra đời trong công đoạn cuối cùng của quá trình tái chế. Ví dụ, các hạt nhựa từ quá trình tái chế có thể trở thành đế giày hoặc nhiều đồ dùng hàng ngày.
Nhu cầu mua rác tăng dần của Trung Quốc xuất hiện khi làn sóng tái chế rác ở phương Tây dâng cao. Hệ thống thương mại toàn cầu cũng góp phần thúc đẩy sự liên kết giữa Trung Quốc và phương Tây. Những tàu biển vận chuyển hàng tới châu Âu và Mỹ thường trở về trong trạng thái rỗng. Đó là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Mỹ chất rác tái chế vào các container rỗng rồi đặt lên các tàu khi chúng trở về Trung Quốc.
Hàng loạt doanh nghiệp tái chế rác Trung Quốc phất lên nhanh chóng nhờ tận dụng nguồn rác nhập khẩu dồi dào. Zhang Yin, nữ tỉ phú đầu tiên ở Trung Quốc, làm nên sự nghiệp nhờ rác. Nine Dragons, công ty của bà, nhập khẩu giấy tái chế từ Mỹ và xử lí chúng ở nhiều nhà máy tại đại lục.
Sự kết hợp giữa nhu cầu cao, chi phí lao động thấp và qui định quản lí môi trường lỏng lẻo nhanh chóng biến Trung Quốc thành trung tâm tái chế rác của thế giới.
Cùng với Hong Kong, Trung Quốc nhập khẩu lượng rác nhựa có trị giá tới 81 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 1988 tới 2016, theo một nghiên cứu của Science Advances.
Tuy nhiên, nhận thức của giới lãnh đạo Trung Quốc thay đổi từ năm 2017, khi họ quan tâm hơn tới bảo vệ môi trường. Họ không còn ưu tiên ngành tái chế, một phần vì nó gây hại cho môi trường, và một phần vì tình trạng tham nhũng tràn lan. Bắc Kinh cũng không muốn thế giới coi Trung Quốc là bãi rác toàn cầu.
"Quan chức Trung Quốc gọi rác nhập khẩu là rác ngoại, nhưng họ gọi rác trong nước là tài nguyên", Steve Wong nói.
Giới chức cũng muốn nâng cấp hệ thống quản lí và xử lí rác trong nước. Trong hơn hai thập kỉ, những nhà máy tái chế lạc hậu và xả nước bẩn ra môi trường liên tục mọc lên, bất chấp nỗ lực giám sát của chính phủ.
"Cuối cùng, Trung Quốc nhận ra rằng đất nước hứng chịu thiệt hại nhiều hơn lợi ích khi nhập khẩu rác. Tác hại với nước ngầm, không khi sẽ tạo ra những tổn thất kinh tế lớn", Jim Puckett, giám đốc Mạng lưới Hành động Basel (một tổ chức phi chính phủ tập trung vào các hoạt động thương mại rác), bình luận.