Hiểm họa nhập rác
Ảnh minh họa: Internet |
Ðộng thái này được Trung Quốc đưa ra khi mức độ ô nhiễm môi trường từ “trung tâm tái chế rác thải của thế giới” ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhưng ở một góc nhìn khác, Mỹ và một số nước phát triển dường như không hài lòng với quyết định trên của Trung Quốc. Và, Mỹ là nước đầu tiên lên tiếng phản đối lệnh ngừng nhập rác từ Trung Quốc. Hiệp hội công nghiệp tái chế phế liệu của Hoa Kỳ nhìn nhận việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu 24 loại rác sẽ gây tổn thất nghiêm trọng với ngành công nghiệp vốn đã tạo ra hơn 150 nghìn việc làm cho xứ sở cờ hoa. Ðó là chưa kể, phế liệu từ nước này xuất sang Trung Quốc đang tăng lên từng ngày. Năm 2016, Mỹ xuất khẩu lượng phế liệu sang Trung Quốc trị giá 5,6 tỉ USD và năm 2017 con số này tăng lên 5,8 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp chuyên buôn bán “đồng nát” ở khu vực Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã có những bước chuyển nắm bắt cơ hội này khi bắt tay xây dựng nhà máy tái chế, đồng thời thu gom các nguyên vật liệu tái chế từ các nước đang dồn ứ sang Trung Quốc… để sản xuất. Trong khi đó, một phần các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, và dĩ nhiên các doanh nghiệp tái chế cũng nối gót theo sang Ðông Nam Á.
Tuy nhiên, cơ hội chưa thấy nhưng những hệ quả thì đã nhãn tiền. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, kể từ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, rác phế liệu đổ dồn vào Việt Nam bằng nhiều cung đường khác nhau. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy đến hết tháng 6/2018, số phế liệu nhập khẩu diện chính ngạch, tiểu ngạch và cả nhập lậu vào Việt Nam gia tăng chóng mặt. Ðã có hơn 2,28 triệu tấn sắt thép phế liệu, với kim ngạch hơn 816 triệu USD nhập vào Việt Nam tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các rác phế liệu khác như điện tử, nhựa và giấy cũng đang ùn ứ ở cảng khiến cơ quan quản lý đau đầu.
Thực tế bấy lâu nay, rác thải các loại nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới đã và đang len lỏi khắp đường làng, góc phố Việt Nam. Giấy vụn, đồ nhựa, sắt thép phế liệu đổ về các làng nghề tái chế, các loại rác điện tử - điện lạnh thì được “hóa kiếp” để bán cho người dùng…
Cái lợi trước mắt, song hậu họa về ô nhiễm môi trường, về sức khỏe biết bao đời mới trả hết? Ðã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh và hiệu quả để chặn đứng làn sóng “đồng nát” toàn cầu đang lăm le tràn vào nước ta.